Xác định vai trò là cầu nối quan trọng trong chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở ở Thừa Thiên- Huế đã tích cực triển khai các hoạt động tư vấn, hướng dẫn, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và nhận diện các mô hình tiên tiến, giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới (NTM) như nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hình thức tổ chức sản xuất và bảo vệ môi trường.
Từ các nguồn vốn của Trung ương và địa phương, công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất được Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thông qua nhiều hình thức, như đào tạo, tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn, hội nghị đầu bờ, chuyển giao công nghệ, khuyến khích sáng kiến cải tiến kỹ thuật, khảo nghiệm và xây dựng các mô hình…
Qua đó, góp phần không nhỏ nâng cao tư duy, nhận thức, trình độ sản xuất và thu nhập cho người dân. Thông qua các hoạt động này, chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, kỹ thuật canh tác, tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất điển hình được chuyển tải, giới thiệu một cách kịp thời, đầy đủ để người dân tham khảo, học tập và nhân rộng.
Từ nguồn hỗ trợ của đề án khuyến công tỉnh, HTX Nông nghiệp Hiền Lương, xã Phong Hiền (huyện Phong Điền) đã đầu tư kinh phí trang bị máy sàng làm sạch và phân loại hạt giống phục vụ sản xuất lúa giống, góp phần giảm nhân công, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Sau khi tham quan, học tập các mô hình sản xuất lúa giống tiên tiến tại các tỉnh, thành phố trong nước, HTX đã xây dựng đề án khuyến công xin hỗ trợ kinh phí để đầu tư máy sàng làm sạch và phân loại hạt giống.
Đề án được Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên- Huế phê duyệt với mức hỗ trợ 88 triệu đồng, HTX đầu tư thêm 150 triệu đồng trang bị máy công suất 1,5 tấn/giờ và cải tạo lại nhà xưởng đáp ứng nhu cầu sản xuất lúa giống số lượng lớn phục vụ thị trường.
Sau khi đưa máy sàng làm sạch và phân loại hạt giống tiên tiến vào hoạt động, không chỉ năng suất tăng gấp 5 lần so với trước mà còn giải phóng sức lao động, hạn chế ô nhiễm môi trường do bụi lúa được ống thổi đưa vào phòng kín, chất lượng giống tốt hơn, góp phần tiêu thụ sản phẩm lúa giống cho bà con nông dân trên địa bàn huyện.
Ông Trịnh Đức Hiệp, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phong Điền cho biết: Thực hiện đề án khuyến công của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, huyện Phong Điền đã chọn HTX ở Phong Hiền để triển khai các mô hình như mô hình máy cuốn rơm tại HTX An Lỗ, mô hình máy sàng hạt giống ở HTX Hiền Lương, với nguồn kinh phí hỗ trợ từ trung tâm khuyến nông.
Đây là nguồn hỗ trợ kịp thời nhằm tiếp sức cho các cơ sở công nghiệp nông thôn có thêm kinh phí đầu tư máy móc hiện đại, áp dụng các kỹ thuật và máy móc tiên tiến để nâng cao năng suất, mở rộng quy mô và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
“Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ rất nhiều loại mô hình khác nhau. Những mô hình được đưa vào thí điểm, khảo nghiệm đều là những giống cây trồng, mô hình mới nhằm đánh giá hiệu quả và khả năng thích nghi, tìm ra những hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Cùng với đó, các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cũng được lồng ghép trong quá trình thực hiện nhằm bảo vệ hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, môi trường, tận dụng tối đa lợi thế nông nghiệp để phát triển bền vững”, ông Nguyễn Khoa Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phong Điền cho biết.
Theo đó, nhiều giống lúa mới đưa vào khảo nghiệm cho năng suất và chất lượng cao, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật như ba giảm ba tăng, một giảm năm tăng, xử lý rơm rạ sau thu hoạch, sử dựng chế phẩm phân bón hữu cơ vi sinh giúp phân hủy nhanh gốc rơm rạ. Nhiều mô hình nông nghiệp bền vững như thu gom rơm bằng máy cuốn rơm, máy sàng làm sạch hạt giống, mô hình sản xuất mạ khay...
Trong kết quả trên, có sự đóng góp quan trọng của công tác khuyến nông. Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông tỉnh, huyện, xã với các nội dung gồm phương pháp nghiệp vụ khuyến nông gắn với chuyên ngành kỹ thuật chăn nuôi thú y, thủy sản, trồng trọt.
Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hỗ trợ thúc đẩy nông dân sản xuất liên kết giữa hộ với hộ, nhóm hộ với nhóm hộ; giữa các doanh nghiệp với người tiêu thụ sản phẩm; xây dựng mô hình gắn với đào tạo nghề lao động nông thôn; lồng ghép các chương trình dạy nghề vào thực hiện mô hình theo hướng VietGAP.
Đánh giá về các mô hình khuyến nông đang triển khai tại huyện Phong Điền, ông Nguyễn Văn Quang – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Thông qua các mô hình khuyến nông do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thực hiện, nhận thức của bà con nông dân về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật được nâng lên rõ rệt. Các mô hình đang triển khai bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế và được bà con hưởng ứng, áp dụng rộng rãi trong sản xuất.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như số lượng mô hình khuyến nông ứng dụng công nghệ cao còn ít (do yêu cầu kinh phí lớn); các mô hình chủ yếu tập trung về trình diễn, chuyển giao kỹ thuật, chưa gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm.
Thời gian tới, tiếp tục chung tay xây dựng NTM, hệ thống khuyến nông toàn tỉnh Thừa Thiên- Huế sẽ tích cực phát huy vai trò trong việc giúp địa phương xây dựng và thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển sản xuất. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Tổ chức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm mang tính bền vững, ổn định, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM ở địa phương.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn