Hạ tầng nông thôn hoàn thiện, các vùng chuyên canh cây ăn quả, cây đặc sản, cây rau màu... mọc lên giúp người dân nơi đây có cuộc sống đủ đầy, ấm no.
Đường quê sạch đẹp từ chương trình xây dựng NTM ở xã Tân Trào, huyện Sơn Dương |
Ông Nguyễn Văn Việt, Quyền Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, để chương trình xây dựng NTM đạt kết quả cao, các các ngành, các địa phương luôn sát sao trong việc ban hành cơ chế, chính sách, hướng dẫn xây dựng kế hoạch vận động nhân dân thực hiện.
Giai đoạn 2016 - 2018, tỉnh đã huy động được 1.100 tỷ đồng từ các nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM. Với nhiều chủ trương, quyết sách hợp lòng dân, bộ mặt nông thôn của tỉnh đã có những bước tiến dài, đời sống của người dân cũng không ngừng được nâng lên.
Trong 3 năm qua, tỉnh đã hoàn thành được 260,36km đường trục xã, liên xã, đường trục thôn, xóm, đường trục chính nội đồng vào vùng sản xuất hàng hóa tập trung; xây dựng tu sửa trên 145 công trình thủy lợi, kiên cố hoá 292,5km kênh mương phục vụ tưới tiêu đảm bảo sản xuất.
Ngoài ra, xây dựng mới và cải tạo nâng cấp 154 công trình trạm biến áp, 290 km đường dây trung áp, 218,1km đường dây hạ áp, 243 nhà văn hóa thôn bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn. Hệ thống trường, lớp học, công trình y tế, văn hóa - xã hội được nâng cấp khang trang...
Xã Phúc Thịnh, huyện Chiêm Hóa phấn đấu về đích NTM trong năm 2018. Nhờ nỗ lực của chính quyền địa phương và sự chung tay góp sức của người dân, đến nay xã đã huy động được hơn 7 tỷ đồng trong dân làm 22 km đường giao thông liên thôn, 8 km đường giao thông nội đồng, 11 nhà văn hóa; có 6/11 thôn xây dựng được công trình thắp sáng đường quê.
Nhà văn hóa được thiết kế theo kiểu nhà sàn truyền thống, nét văn hóa độc đáo của xã Năng Khả, huyện Na Hang |
Trên địa bàn xã hiện có 5 trang trại có doanh thu trung bình khoảng 800 triệu đồng/năm và 113 hộ phát triển kinh tế theo hướng kết hợp sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với kinh doanh, dịch vụ, doanh thu trung bình khoảng 120 triệu đồng/hộ/năm.
Ông Triệu Tiến Thịnh, thôn Húc, xã Phúc Thịnh cho biết, nhờ hệ thống hạ tầng nông thôn hoàn thiện mà việc vận chuyển hàng hóa, giao lưu kiến thức, kinh nghiệm làm ăn cũng thuận tiện, từ đó hoạt động chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất kinh doanh của người dân ngày càng thêm phát triển.
Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng nông thôn, tỉnh Tuyên Quang đã giải ngân 140,7 tỷ đồng mua hơn 6.100 con giống theo Nghị quyết số 12/2014 của HĐND tỉnh; giải ngân hơn 125 tỷ đồng hỗ trợ 363 trang trại vay vốn theo Nghị quyết số 10/2014 của HĐND tỉnh...
Tỉnh đã tổ chức đào tạo bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm sản xuất cho trên 22.000 lao động nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 47 xã đạt tiêu chí thu nhập, 129 xã đạt tiêu chí lao động có việc làm. Có 37 sản phẩm hàng hóa nông lâm nghiệp, thủy sản đã được cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa.
Lực lượng dân quân xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương chỉnh trang đường giao thông và kênh mương nội đồng |
Ông Trương Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Lăng Can, huyện Lâm Bình cho biết, qua rà roát sơ bộ đến giữa tháng 9/2018 vừa qua, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 29,7 triệu đồng, phấn đấu đến hết năm 2018 đạt trên 30 triệu đồng/người/năm.
Lăng Can hiện đã triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất như nuôi lợn đen, gà đen, dê, trồng rau đặc sản… Mục tiêu trong năm 2018, xã giảm 284 hộ nghèo, đến thời điểm hiện tại đã có 261 hộ đủ điều kiện thoát nghèo, đến cuối năm tiếp tục giảm 23 hộ nữa.
Đến thời điểm này, tỉnh Tuyên Quang đã có 23 xã về đích NTM. Tỉnh phấn đấu, từ nay đến hết năm 2018 sẽ có thêm 6 xã đạt chuẩn. Song song với việc chỉ đạo, vận động các địa phương hoàn thành tiêu chí NTM tại các xã chưa đạt chuẩn, tỉnh cũng chỉ đạo các xã đã về đích nỗ lực duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, hướng tới mục tiêu hình thành những làng quê NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn