Theo ông Lê Huy Ngọ, thời gian tới cần chú trọng đầu tư kiên cố hóa hệ thống kênh mương để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Gặp – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, tính đến thời điểm này toàn tỉnh đã có 64 xã được UBND cấp huyện phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới, 144 xã còn lại cũng đã được phê duyệt đề cương và nhiệm vụ, hiện đang tập trung triển khai lập quy hoạch. Trong 2 năm qua, ngoài số tiền hơn 277 tỷ đồng do ngân sách các cấp hỗ trợ, chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh còn lồng ghép nhiều chương trình, dự án khác để đầu tư thêm 1.932 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh và hỗ trợ đào tạo nghề, phát triển sản xuất ở khu vực nông thôn. Theo ông Gặp, đến nay Quảng Nam đã có 4 xã đạt 14-18 tiêu chí, 23 xã đạt 9-13 tiêu chí, 61 xã đạt 5-8 tiêu chí, 120 xã đạt dưới 5 tiêu chí...
Phát biểu tại cuộc làm việc, ông Lê Huy Ngọ đánh giá cao những nỗ lực của Quảng Nam trong việc tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên diện rộng từ đầu năm 2011 đến nay. Đồng chí cho rằng, xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa hết sức thiết thực đối với đời sống xã hội, vì vậy thời gian tới địa phương cần phải huy động sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, phải tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ và nhân dân để họ tích cực tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia này.
Theo ông Ngọ, muốn quá trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới mang lại hiệu quả cao, Quảng Nam cần tiếp tục chú trọng đến công tác quy hoạch tổng thể và chi tiết, thường xuyên tập huấn, hướng dẫn các nội dung liên quan và phổ biến cụ thể những cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với việc phát triển nông nghiệp – nông dân – nông thôn cho đội ngũ cán bộ ở tuyến cơ sở. Đồng thời, ưu tiên nguồn vốn cho công tác đào tạo nghề, hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm giúp nông dân nhanh chóng nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần xây dựng nông thôn mới. Ông Ngọ nói: “Ngoài những chính sách của Trung ương, ngành liên quan và chính quyền các địa phương ở Quảng Nam cần tổ chức triển khai có hiệu quả những cơ chế khuyến khích phát triển sản xuất do tỉnh ban hành, như dồn điền đổi thửa gắn với xây dựng vùng chuyên canh tập trung, đẩy mạnh cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa và an toàn dịch bệnh, phát triển mạnh mô hình trồng cao su tiểu điền, kinh tế vườn – kinh tế trang trại, thủy lợi hóa đất màu, kiên cố hóa kênh mương”.
Văn Sự
theo baoquangnam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn