Khi bàn về cơ hội của Việt Nam trong nền kinh tế thế giới, câu hỏi là làm thế nào để start-up Việt Nam không phải thành lập doanh nghiệp ở nước ngoài đang được đặt ra. Chiến lược quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có tìm cách trả lời câu hỏi này không, thưa ông?
Mong muốn của chiến lược này là xử lý được các rào cản pháp lý, để không chỉ người Việt không phải ra nước ngoài thực hiện các ý tưởng kinh doanh mới, mà còn thu hút được các sản phẩm dịch vụ, công nghệ mới tới Việt Nam.
Vậy, phải hiểu bản chất là cuộc cách mạng công nghiệp này tạo ra sự thay đổi toàn diện về cách thức sản xuất (thông minh hơn, tối ưu hóa sử dụng nguồn lực, xanh hơn); thay đổi cấu trúc thị trường (từ cấu trúc 2 bên mua - bán được thay bằng cấu trúc nhiều bên như Uber, Airbnb); thị trường ảo thay thế thị trường vật lý; hiện diện vật lý không còn cần thiết… Cách thức tiêu dùng đang theo chiều hướng bỏ qua các khâu trung gian, vừa tiêu dùng vừa cung ứng…
Ông Đặng Quang Vinh, Phó trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) |
Như vậy, quyền và trách nhiệm của các bên thay đổi, quản lý nhà nước phải thay đổi, cách quản lý cũ không còn phù hợp, nhiều công cụ mới hiệu quả hơn như e-Gov, Blockchain, AI… Trong bối cảnh này, nếu chúng ta bắt các xe vận tải công nghệ đeo mào để cho giống taxi truyền thống, để quản lý theo cách quản lý taxi truyền thống thì sẽ rất khó giữ chân các ý tưởng sáng tạo ở Việt Nam.
Cụ thể, rào cản nào khiến nhiều start-up không chọn Việt Nam để khởi nghiệp, thưa ông?
Rõ nhất là quy định về quản lý tiền tệ, cách thức huy động vốn... Nếu không cho phép thanh toán tiền số thì khó cho các mô hình kinh doanh mới.
Có người nói có thể dùng cách huy động vốn truyền thống là góp vốn, cổ phần, nhưng bản thân mô hình truyền thống cũng đang còn nhiều rào cản với các quỹ đầu tư thiên thần. Các quỹ này đầu tư vào một doanh nghiệp khởi nghiệp, thúc đẩy thương mại hóa ý tưởng có tiềm năng sinh lời, đến một mức kỳ vọng sẽ bán đi, tìm tiếp các ý tưởng kinh doanh khác. Điều các quỹ này quan tâm khi chọn đầu tư vào đâu không chỉ là ý tưởng có tiềm năng sinh lời, mà còn là thủ tục đầu tư có thuận lợi không, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài thế nào…
Môi trường của chúng ta chưa đủ linh hoạt để hấp dẫn các quỹ lớn. Hay nói đúng là, chúng ta chưa có thể chế hoàn thiện cho hệ sinh thái khởi nghiệp, thương mại điện tử…
Nếu chỉ là quy định về tài chính thì không quá khó để thay đổi, thưa ông?
Vấn đề lớn hơn là các ngành, lĩnh vực đều có những rào cản rất lớn. Tôi muốn nhắc đến câu chuyện của Uber, Grab, Airbnb, rồi còn nhiều dịch vụ khác nữa rất có thể sẽ khiến các nhà quản lý đau đầu. Họ đang muốn quản lý các ứng dụng gọi xe, thuê nhà này như taxi truyền thống, nhà nghỉ, khách sạn truyền thống, với những gì hiện ra trước mắt, nghĩa là dùng giác quan của con người để quản lý, nên mới tìm cách phân biệt các loại xe này.
Đáng ra, tư duy quản lý phải đổi theo hướng dùng công nghệ để quản lý các dịch vụ xây dựng trên nền tảng công nghệ. Công nghệ cho phép định vị các xe này, cho phép kiểm soát hành trình của chúng…, nên nếu muốn quản lý chúng, phải ứng dụng các công nghệ quản lý tương ứng.
Ví dụ ở Mỹ, khi các xe sử dụng ứng dụng Uber này vào các sân bay, phải trả phí, tương tự như taxi. Để thu được phí các loại xe này, chính quyền làm việc với Uber để xây dựng công nghệ cho phép nhận biết xe này vào sân bay và tự động trừ tiền phí, chứ không yêu cầu các xe phải đeo mào hay có dấu hiệu nhận diện…
Đây chỉ là một ví dụ rất nhỏ để hiểu rằng, tư duy vật lý trong đề xuất, xây dựng chính sách đã không còn phù hợp, phải thay bằng tư duy số.
Thực tế là chúng ta chưa có nền tảng công nghệ hoàn chỉnh…
Chìa khóa ở đây là tư duy. Chưa nói đến công nghệ, tư duy quản lý nhà nước của chúng ta hiện chưa hướng tới quản lý rủi ro thực tế, chưa quan tâm đến lợi ích người tiêu dùng, quyền lựa chọn của người tiêu dùng.
Trong vận tải hành khách, quan trọng là an toàn, điều gì đảm bảo an toàn cho người dùng, thì nhà nước quản lý, tại sao lại bắt taxi phải sơn màu gì, phải có hợp đồng bằng giấy, tại sao các sở giao thông - vận tải phải cho phép các xe vào bến…, trong khi người dùng bây giờ có thể kiểm soát được cả hành trình, giá cả của chuyến đi…
Hay như Airbnb, dù Việt Nam chưa có quy định gì, họ vẫn làm, nhưng không nộp thuế, vậy phải có cách nào để quản lý hoạt động này, có phải bắt đăng ký, treo biển không, hay sử dụng các ứng dụng công nghệ mới? Ở Mỹ, Airbnb thu thuế khi chủ nhà có khách và nộp cho cơ quan thuế.
Khi công nghệ thay đổi, nhu cầu người dùng thay đổi thì quản lý nhà nước cũng phải thay đổi. Người dân, doanh nghiệp cần một môi trường thể chế dễ dàng, phù hợp với xu hướng để họ thực hiện, thay vì bị ép cứng vào những khuôn phép cũ. Khi đó, mục tiêu quản lý nhà nước đạt được mà không ảnh hưởng tới năng lực, nhu cầu sáng tạo của người dân với các ý tưởng kinh doanh mới.
Nhưng hiện tại, ngay trong Dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh vận tải bằng ô tô, Bộ Giao thông - Vận tải vẫn đề xuất xe sử dụng các phần mềm đặt xe như Grab, Uber phải có hộp đèn “Taxi điện tử” gắn cố định trên nóc xe. Với ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có phù hiệu “Xe hợp đồng”, phải niêm yết chữ “Xe hợp đồng” hoặc “Xe hợp đồng điện tử” nếu sử dụng hợp đồng điện tử… Tư duy này vẫn theo kiểu Nhà nước làm được, làm nhiều, quyền lực nhiều.
Nhưng thực tế đã chứng minh, trong bất cứ môi trường kinh tế nào - dù kinh tế số hay kinh tế truyền thống, khi nào có rủi ro thì Nhà nước xuất hiện, còn lại để thị trường vận hành theo đúng quy luật, Nhà nước tạo thể chế cho thị trường vận hành.
Như vậy, thể chế là quan trọng nhất quyết định người dân, doanh nghiệp có sẵn sàng thực hiện các ý tưởng, sáng kiến kinh doanh mới không, có nhảy lên con tàu 4.0 hay ở dưới ga chờ đợi.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn