Toàn huyện hiện có 150 trang trại, trong đó có 105 trang trại chăn nuôi, 45 trang trại tổng hợp, thu nhập bình quân của mỗi trang trại đạt trên 100 triệu đồng/năm. Những năm gần đây, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đều chỉ đạo sát sao, cùng với sự cố gắng của các chủ trang trại, góp phần đưa lĩnh vực kinh tế này phát triển theo chiều sâu.
Hiện, các thôn, bản trong huyện đều có hộ nông dân sản xuất giỏi, biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật, có quy mô sản xuất và thu nhập vượt trội, đủ tiêu chí để trở thành trang trại. Đặc biệt, chăn nuôi đang là thế mạnh của huyện, do vậy các trang trại chăn nuôi theo hướng công nghiệp trên địa bàn được chú trọng đầu tư, phát triển nhanh cả về số lượng và quy mô, nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong các mô hình phát triển chăn nuôi trên địa bàn thì chăn nuôi lợn chiếm tỷ lệ lớn nhất, với 145 hộ nuôi quy mô từ 30 con lợn thịt trở lên, trong đó có 33 trang trại chăn nuôi lợn quy mô hàng hóa (trên 100 con). Điển hình là mô hình chăn nuôi lợn của gia đình ông Lương Bá Hoành ở thôn 1, thị trấn Phong Hải, nuôi 300 con lợn thịt, hàng chục con lợn nái và lợn đực, mỗi năm xuất bán gần 20 tấn lợn thịt, thu nhập trên 800 triệu đồng. Trang trại của gia đình bà Đặng Thị Thanh, thôn Phú Cường 2, thị trấn Phố Lu, có quy mô 150 lợn thịt và 10 lợn nái, mỗi năm xuất bán khoảng 15 tấn lợn thịt. Hợp tác xã chăn nuôi Quý Hiền có quy mô chăn nuôi lớn nhất huyện, gồm 40 trang trại chăn nuôi lợn và 20 trang trại gia cầm nuôi theo quy trình công nghệ hiện đại với tổng vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng. Giống lợn nuôi được sản xuất tại chỗ, vì vậy con giống luôn đảm bảo chất lượng, chiếm lĩnh được thị trường. Mỗi năm, HTX xuất chuồng khoảng 500.000 tấn lợn, trừ chi phí, mỗi xã viên thu nhập hàng chục triệu đồng. Ngoài ra, mỗi tháng HTX xuất chuồng trên 100 tấn gia cầm, thu gần 500 triệu đồng.
Bên cạnh đó, các mô hình chăn nuôi trâu, bò cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao như hộ ông: Nguyễn Anh Tuynh, xã Xuân Giao; Trần Hồng Thanh, xã Phú Nhuận, mỗi trang trại có 200 - 250 con trâu, bò. Nhìn chung, các mô hình phát triển chăn nuôi trên địa bàn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình và đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Phần lớn các chủ trang trại có kiến thức cơ bản, có kỹ năng quản lý và lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dám đầu tư vốn và lao động, mang lại giá trị thu nhập cao, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Sự phát triển của kinh tế trang trại đã dần khẳng định vị trí rõ nét trong quá trình địa phương xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là đã giải quyết được những vấn đề mà kinh tế hộ gia đình trước đây khó có thể làm được. Đó là, áp dụng nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất hàng hoá lớn; tạo sự liên kết hợp tác dịch vụ sản xuất cũng như thu hút nguồn vốn nhàn rỗi của nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; chủ động tiếp cận thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm… Thực tế cho thấy, mô hình kinh tế trang trại đã góp phần tăng nguồn thu nhập cho nông dân, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác, đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo, giúp nông dân vươn lên làm giàu; giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động, góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn Bảo Thắng.
Thanh Nga
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn