Đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT tham luận tại Đại hội. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến
Sáng 23/1, đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tham luận tại Đại hội Đảng lần thứ XII về các vấn đề liên quan đến "tam nông".
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, tổng thể cả giai đoạn 2011-2015, trong bối cảnh chung có nhiều khó khăn, thách thức, ngành nông nghiệp đã nỗ lực phấn đấu và đạt được mục tiêu là duy trì tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống dân cư nông thôn, bảo vệ và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững.
Tuy vậy, việc triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua đang bộc lộ những hạn chế. Đó là quá trình phát triển sản xuất còn kém bền vững, dễ bị tổn thương trước tác động của thiên tai, dịch bệnh và diễn biến bất lợi của thị trường trong và ngoài nước. Chất lượng, khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất của nhiều loại nông sản còn thấp, hiệu quả chưa cao; đổi mới tổ chức sản xuất còn nhiều bất cập, chưa theo kịp yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa lớn; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất phát triển chậm, hiệu quả chưa ổn định; kinh tế hộ nhỏ lẻ, ruộng đất sản xuất manh mún ngày càng bộc lộ những hạn chế, yếu kém và cản trở quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bên cạnh đó, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt thấp hơn mục tiêu đề ra. Hết năm 2015, cả nước có khoảng 17% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (mục tiêu của chương trình là 20%). Mức độ thực hiện ở các địa phương, vùng miền chưa đồng đều.Thu nhập và đời sống của nông dân mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với thu nhập của người dân ở đô thị; nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn cao; môi trường nhiều vùng nông thôn bị suy giảm.
Trong định hướng phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 5 năm tới, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: Dự thảo Văn kiện của Đại hội đã xác định “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại đồng bộ, tổng thể nền kinh tế”, trong đó lĩnh vực "tam nông" phải “Cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới”.
Do đó, mục tiêu chính của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong những năm tới là phát triển bền vững theo 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường, cụ thể là: Thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng và hiệu quả cao; xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn; phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai; bảo vệ và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên và môi trường bền vững.
Sáu nhóm giải pháp lớn
Đồng chí Cao Đức Phát nêu lên 6 nhóm giải pháp lớn để thực hiện có hiệu quả mục tiêu trên, đó là:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về sự cần thiết, tất yếu và tầm quan trọng của thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới đến các cấp, ngành, địa phương và người dân; thay đổi nhận thức về sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu.
Thứ hai, tiếp tục tập trung nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thực hiện các mục tiêu tại Nghị quyết 26/NQ-TW của Trung ương 7, Khóa X và Kết luận số 97-KL/TW ngày 9/5/2014 của Bộ Chính trị, trước hết tạo điều kiện để nông dân và doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn về đất đai, nguồn vốn và thị trường để mở rộng sản xuất hàng hóa có khả năng cạnh tranh cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp và các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu; đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức nông dân sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, chất lượng đảm bảo gắn với chế biến và tiêu thụ; thực hiện chuyển mạnh lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn.
Thứ tư, tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, bao gồm cả công nghệ cao trong tất cả các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của ngành; đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả của ngành; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiếp tục mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nông dân, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH của ngành.
Thứ năm, tiếp tục huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; cơ bản nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã (giao thông, điện, nước sạch, trường học các cấp, trạm y tế xã, nhà văn hóa và khu thể thao thôn), bao gồm cả các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội theo hướng CNH, HĐH và tăng hưởng thụ cho cư dân nông thôn.
Thứ sáu, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý ngành từ Trung ương đến địa phương. Kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban chỉ đạo và bộ máy giúp việc các cấp ở Trung ương và các địa phương, ra sức tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về tái cơ cấu và xây dựng nông thôn mới.
Theo Lê Sơn (thực hiện)/baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn