Cuối năm 2014, huyện Gia Lâm có thêm 5 xã được UBND TP Hà Nội ra Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Trong số đó, xã Phú Thị là địa phương đã có thành tích cán đích trước dự kiến một năm.
Sự lãnh đạo tập trung Phú Thị là một trong số 13 xã được huyện Gia Lâm chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015. Khi triển khai, Đảng bộ xã đã gắn việc thực hiện chương trình này với việc thực hiện 4 chương trình công tác trọng tâm toàn khóa 2010 - 2015, trong đó, phát triển kinh tế được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Đảng ủy xã đã chỉ đạo HĐND, UBND, các tổ chức Hội, đoàn thể quần chúng đổi mới phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, tham gia giải quyết các khâu khó, việc khó. HĐND xã tăng cường giám sát theo chuyên đề, UBND xã nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính, tiếp và giải quyết đơn thư, đồng thời phối hợp với HTX dịch vụ, các đoàn thể tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế nông nghiệp nhằm khắc phục tư tưởng ly nông trong một bộ phận nông dân. Hàng năm, ngoài duy trì hỗ trợ giống, thuốc diệt chuột cho toàn bộ diện tích cây trồng, xã tổ chức từ 4 - 7 buổi tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, chăm sóc cây trồng vật nuôi, dạy nghề ngắn hạn cho nông dân. Cả 5/5 Chi bộ thôn đã có nhiều đổi mới trong tổ chức sinh hoạt chuyên đề, ra Nghị quyết sát với đời sống dân sinh, tập trung giải quyết các hạn chế trong sản xuất, khắc phục tình trạng để đất hoang hóa, VSMT, tệ nạn xã hội, trật tự xây dựng… Hầu hết cấp ủy Chi bộ thực hiện giao nhiệm vụ cụ thể cho đảng viên trong việc phụ trách cụm dân cư và các mảng công tác tại cơ sở, nhất là việc đi tiên phong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, thực hiện các mô hình kinh tế nhằm khích lệ người dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển mạnh ngành nghề, thương mại, dịch vụ. Nhờ vậy, các loại cây trồng chính đều tăng cao cả về sản lượng và giá trị thu nhập. Trong đó, cây lúa và ngô đều đạt năng suất trên dưới 55 tạ/ha.
Cán bộ và Nhân dân Phú Thị ra quân xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng.
Năm 2014, để tạo bước đột phá trong nông nghiệp, xã chỉ đạo 3 thôn có diện tích đất bãi là Hàn Lạc, Tô Khê và Đại Bản thực hiện chương trình dồn điền đổi thửa. Theo đó, diện tích đất được các hộ dồn đổi cho nhau, thực hiện quy hoạch vùng sản xuất tập trung nhằm nâng cao hiệu quả trong sử dụng đất nông nghiệp. Hiện, toàn xã đã chuyển trên 100ha đất cấy lúa trồng màu sang trồng chuối và các loại cây ăn quả, cây cảnh cho hiệu quả kinh tế cao. Có 22 hộ phát triển kinh tế trang trại với tổng diện tích 35ha, chiếm 15% diện tích đất nông nghiệp. Điển hình là trang trại nuôi cá giống và cá thương phẩm của ông Lê Huy Ngoạn, ở thôn Trân Tảo. Ông Ngoạn đã tận dụng triệt để các tầng nước nuôi cá và thủy cầm, trên bờ trồng ổi, nuôi các loại gia cầm mang lại nguồn thu vài trăm triệu đồng mỗi năm. Hay như trang trại nuôi lợn thịt ngoài đồng của ông Nguyễn Đức Loan, ở thôn Tô Khê, nuôi trên dưới 100 con/lứa, có hệ thống biogas xử lý chất thải hợp vệ sinh, thu lãi mỗi năm gần 100 triệu đồng. Nhiều hộ dân tận dụng lợi thế vùng đất bãi ven đê để duy trì và phát triển đàn bò. Hiện tại, đàn bò thịt trên địa bàn xã thường xuyên có từ 350 - 400 con, đàn bò sữa trên 180 con. Có nhiều hộ nuôi từ 7 - 10 con bò sữa cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Hoạt động kinh doanh dịch vụ nhà trọ, nghề xây dựng, chế biến lương thực, thực phẩm… trên địa bàn những năm gần đây tăng lên gần 1.000 hộ, vừa góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, vừa đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách hàng năm. Đây cũng là một trong những điểm mạnh để Phú Thị thực hiện tốt việc thu, chi ngân sách và đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 13,8%/năm. Bình quân thu nhập một hộ từ 41.600.000 đồng năm 2010 tăng lên 108.420.000 đồng năm 2014. Hộ nghèo giảm còn 31 hộ và hiện không còn nhà ở dột nát, không có hộ chính sách nghèo hoặc khó khăn về nhà ở. Theo đó, các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa thông tin, thể dục thể thao trên địa bàn cũng được đầu tư chiều sâu. Công tác quân sự địa phương, an ninh quốc phòng cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần đảm bảo sự ổn định chính trị và an ninh trật tự an toàn xã hội. Các tầng lớp Nhân dân vào cuộc tích cực Xác định Nhân dân là chủ thể trong xây dựng NTM nên phong trào “Toàn dân chung sức tham gia xây dựng NTM” được xã Phú Thị triển khai sâu rộng, đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức. Từ đó tạo sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực trong các tầng lớp dân cư, nhất là trong việc giải quyết bức xúc về VSMT và thực hiện các công trình xã hội hóa. Các thôn thực hiện tuyến đường tự quản, đoạn đường cây xanh, đoạn đường nở hoa, đồng thời thành lập tổ phụ nữ thu gom bao bì thuốc trừ sâu và rác thải trên đồng ruộng, thực hiện việc đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Đặc biệt, trong thực hiện chủ trương xã hội hóa, chỉ tính riêng năm 2014, Nhân dân trong xã đã đóng góp trên 3 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Trong đó, nhiều xóm, ngõ, các hộ dân ngoài đóng góp hàng trăm công lao động còn tự nguyện hiến đất mở rộng đường giao thông, di dời cột điện, đóng góp lắp đặt đèn chiếu sáng, hệ thống thùng đựng rác, ghế đá… làm cho cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp. Sau 4 năm thực hiện, cuối năm 2014, xã Phú Thị đã được UBND TP Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn NTM, về trước kế hoạch một năm. Điều quan trọng nhất khi thực hiện chương trình này của xã là đã phát huy được tinh thần đoàn kết, sẻ chia trách nhiệm và tính cộng đồng cao trong cán bộ và các tầng lớp Nhân dân tham gia xây dựng Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể trong sạch vững mạnh. Hai năm 2013 - 2014, Đảng bộ đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh tiêu biểu của huyện. Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên đáng kể. Đây chính là tiền đề để Phú Thị giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn NTM, xây dựng Phú Thị giàu đẹp, dân chủ, văn minh, xứng danh đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.