Quảng Nam rất xem trọng công tác khuyến nông để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa nhằm nâng cao đời sống của người nông dân.
Chuyển giao khoa học kỹ thuật
Ông Trần Văn Tương- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư (TTKN) Quảng Nam cho biết, giữa khuyến nông và xây dựng NTM luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau, khuyến nông sẽ góp phần cải thiện đời sống của người nông dân. Ngược lại, đời sống của người nông dân được cải thiện sẽ góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng NTM. Hằng năm, TTKN phối hợp với các cấp ngành và địa phương làm tốt công tác tuyên truyền tập huấn cho nông dân, ứng dụng chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các địa phương xây dựng NTM thông qua việc xây dựng các mô mình khuyến nông hiệu quả. Bình quân mỗi năm TTKN chuyển giao khoảng 30 mô hình khuyến nông các loại, với hàng trăm điểm trình diễn tại các huyện, thành phố trong toàn tỉnh, trong đó tập trung ở các xã điểm NTM. Nhờ đó, các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng tiếp tục được phát huy, các tiến bộ kỹ thuật về giống, biện pháp canh tác, nuôi trồng tiếp tục được triển khai ứng dụng có hiệu quả trong sản xuất, góp phần vào thắng lợi chung của sản xuất nông nghiệp và công tác xây dựng NTM tại nhiều địa phương.
Đặc biệt, thực hiện chương trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, thông qua các nguồn kinh phí khác nhau, Trung tâm đã tập trung nguồn lực hỗ trợ cho các nông dân mua sắm máy cày, máy gặt đập liên hợp để giải quyết khâu làm đất, thu hoạch lúa. Nếu như năm 2007, toàn tỉnh mới chỉ có 4 máy gặt đập liên hợp thì đến nay là 299 máy, nâng tổng số máy gặt đập liên hợp, máy cày và máy sấy lên 746 máy.
Đặc biệt 3 năm gần đây, TTKN Quảng Nam đã thực hiện lồng ghép việc đầu trợ máy gặt đập liên hợp vào các chương trình, mô hình triển khai “Cánh đồng sản xuất lúa tổng hợp”, “Cánh đồng mẫu lớn” tại một số địa phương, qua đó đã phát huy cao nhất công dụng của máy móc trên đồng ruộng cũng như hiệu quả của sản xuất lúa. Riêng trong năm 2013 vừa qua, bằng nguồn kinh phí của tỉnh và Trung ương, TTKN Quảng Nam đã triển khai thực hiện chương trình khuyến nông ở 20 xã NTM trên nhiều lĩnh vực như: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, cơ giới hóa với tổng kinh phí hỗ trợ đầu tư 659.833.000 đồng… Đồng thời tổ chức tập huấn trên 30 lớp với hơn 1.000 lượt nông dân tham gia.
Nhiều mô hình hiệu quả
Theo ông Tương, nhờ làm tốt công tác khuyến nông nên những năm qua tỉnh Quảng Nam đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả. Điển hình như mô hình xây dựng cánh đồng mẫu trong sản xuất lúa, sản xuất rau, dưa hấu an toàn, sản xuất lạc (đậu phụng); các mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; các mô hình nuôi thủy sản theo hướng đa dạng hóa các đối tượng và cải thiện môi trường sinh thái; mô hình cơ giới hóa trong sản xuất...
Đặc biệt, mô hình cánh đồng kỹ thuật trong sản xuất lúa được triển khai ở vụ đông xuân 2012-2013 tại 2 xã NTM là Bình Giang (Thăng Bình) và Tam Hòa (Núi Thành) với diện tích 70ha, vụ hè thu năm 2013 tại 2 xã NTM Đại Cường (Đại Lộc) và Tam Phước (Phú Ninh) với diện tích 70/190ha toàn tỉnh. Hay như mô hình chăn nuôi heo trên nền đệm lót sinh học được thực hiện tại 4 xã NTM: Tam Phước, Tam Dân, Tam An, huyện Phú Ninh và Duy Phước, huyện Duy Xuyên.
“Các chương trình, mô hình được triển khai trong những năm qua đã đáp ứng được yêu cầu sản xuất về giống cây, con năng suất cao, chất lượng, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Đặc biệt, công tác khuyến nông đã góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng NTM theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá...” - ông Tương khẳng định.
Đoàn Hồng
Nguồn: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn