Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, thành công bước đầu đó là do Tỉnh đã thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới gắn liền với hội nhập thông qua áp dụng khoa học công nghệ, tái cấu trúc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Xin ông cho biết những kết quả cụ thể của Chương trình Xây dựng Nông thôn mới củaTỉnh? Đến nay (tháng 3/2014 - PV), tỉnh Quảng Ninh đã có 34 xã cơ bản đạt tiêu chí Nông thôn mới, dẫn đầu trong 15 tỉnh miền núi phía Bắc về số xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Thu nhập của người dân nông thôn tăng từ 14 triệu đồng/người năm 2012 lên đến 16,5 triệu đồng/người năm 2013. Đặc biệt, hơn 98% số hộ dân đã được sử dụng điện lưới quốc gia, mà điểm nhấn quan trọng là việc đưa điện lưới ra đảo Cô Tô đã khẳng định rõ quyết tâm xây dựng Nông thôn mới của Tỉnh. Cách làm của Quảng Ninh là như thế nào, thưa ông? Muốn làm được Nông thôn mới, khâu quy hoạch phải làm đầu tiên. Từ năm 2011, chúng tôi đã triển khai xây dựng quy hoạch đồng loạt trên 125 xã. Sau hai năm, chúng tôi đã xây dựng và phê duyệt xong quy hoạch Nông thôn mới trên toàn Tỉnh. Các xã, các huyện đều đã lập và phê duyệt xong Đề án Xây dựng Nông thôn mới. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước làm tốt công tác quy hoạch nông nghiệp và nông thôn. Tức là Tỉnh đã quy hoạch để “tái cấu trúc” nông nghiệp và nông thôn? Đúng vậy, ngành nông nghiệp của Tỉnh đa dạng về sản phẩm nhưng manh mún trong sản xuất, chưa trở thành các vùng sản xuất hàng hóa. Khi đặt ra việc phát triển nền nông nghiệp đổi mới, sản xuất hàng hóa, nhất định Quảng Ninh phải cấu trúc lại. Như ngành thủy sản cần lập lại quy hoạch, xây dựng các đề án và điều chỉnh lại cơ cấu phát triển. Chúng tôi sẽ ra Nghị quyết chuyên đề về phát triển thủy sản. Về sản xuất nông nghiệp, chúng tôi đã quy hoạch lại vùng sản xuất tập trung từ trồng trọt đến chăn nuôi. Xác định cây, con chủ lực của Tỉnh, từ đó đầu tư lớn cho những chương trình phát triển và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Về lâm nghiệp, Quảng Ninh có 70% diện tích là đất rừng, nhưng theo cơ chế cũ nên chưa thể phát triển dù độ che phủ cao, đặt ra vấn đề phải tái cấu trúc lại ngành. Các công ty lâm nghiệp tới đây phải sắp xếp lại và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư cho chế biến gỗ rừng trồng. Ba lĩnh vực này thực hiện song song, đảm bảo xây dựng Nông thôn mới bền vững và là điều kiện tốt cho tăng trưởng kinh tế của Tỉnh. Quảng Ninh gặp khó khăn gì trong quá trình thực hiện? Khó nhất là làm sao tăng thu nhập cho người dân vì trong tất cả các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, tiêu chí này là quan trọng nhất. Ngoài ra, là sự thay đổi nhận thức của người dân, chuyển đổi mô hình sản xuất từ chỗ manh mún, phạm vi hẹp sang sản xuất hàng hóa, tiêu thụ quốc tế. Chưa kể, nguồn đất đai về nông nghiệp của Quảng Ninh bị phân tán, trình độ dân trí một số vùng không cao. Thêm nữa là doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chưa mặn mà do khó tiếp cận nguồn vốn, chế độ ưu đãi, rủi ro lớn do thiên tai… Vậy Tỉnh đã làm thế nào để thay đổi điều này? Chúng tôi hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp về cơ chế chính sách, về vốn như hỗ trợ 50% lãi suất. Tỉnh có nguồn vốn về khoa học công nghệ có thể hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu áp dụng khoa học công nghệ mới, chúng tôi sẽ hỗ trợ 100% hoặc hỗ trợ 100% đào tạo nghề. Rồi hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tiêu thụ sản phẩm, chúng tôi có thể đứng ra làm cầu nối, có quy định hình thành chuỗi tiêu thụ như Metro, BigC, các đơn vị lớn của ngành than, hoạt động du lịch… Hiện nhiều doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư vào nông nghiệp, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản. Riêng thủy sản, đã có doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất giống và cuối năm nay sẽ cung cấp giống tôm cho toàn Tỉnh. Tỉnh đang có chủ trương mỗi xã, phường một sản phẩm. Đây là mô hình mà Quảng Ninh học từ Thái Lan, Nhật Bản và là điểm rất riêng của Tỉnh trong xây dựng Nông thôn mới. Tỉnh có nhiều sản vật địa phương đã thành thương hiệu, được ưu chuộng nhưng chưa trở thành hàng hóa để phục vụ thị trường. Năm 2014, Tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo và tuyển chọn sản phẩm. 14 địa phương sẽ xây dựng và chọn sản phẩm để Tỉnh duyệt. Sở KH&CN lên ngay quy trình sản xuất hàng hóa này và có một đơn vị thực hiện - có thể là hợp tác xã hoặc doanh nghiệp. Dự kiến trong tháng 4/2014 (dịp Lễ hội Canaval) chúng tôi sẽ tiến hành triển lãm các sản phẩm để người dân, khách hàng có thể bình phẩm thêm. Bên cạnh đó, Tỉnh bắt tay vào tập huấn cho các mô hình sản xuất và hình thành chuỗi tiêu thụ sản phẩm. Quảng Ninh có thuận lợi thu hút du khách với các điểm du lịch trải dài từ đầu đến cuối Tỉnh, là điều kiện tốt để mở các quầy hàng giới thiệu mỗi xã, phường một sản phẩm. Tôi tin khách hàng sẽ chấp nhận và ngay bản thân chúng tôi nhận thấy có sức hút tốt và được dư luận ủng hộ. Dự kiến năm 2016, chương trình cơ bản sẽ phủ toàn bộ Tỉnh, đóng góp vào sự phát triển ngành du lịch, dịch vụ. Tuấn Anh (ghi) |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn