Trường Mầm non Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ) được xây dựng với tổng kinh phí trên 25 tỷ đồng trong đó có gần 20 tỷ đồng huy động từ sự ủng hộ của con em xa quê. |
Ông Lại Cao Hạnh, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Quỳnh Phụ cho biết: Với 38 xã, thị trấn, toàn huyện hiện có 39 trường mầm non, 40 trường tiểu học và 37 trường trung học cơ sở, trong đó 80 trường đạt chuẩn quốc gia. Thời gian qua, các xã trong huyện đã chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng trong đó có hệ thống trường học; tuy nhiên nguồn ngân sách hạn hẹp nên đầu tư không đồng bộ. Ðặc biệt, nhiều địa phương trong huyện chưa xây dựng được trường mầm non tập trung bởi kinh phí xây dựng mỗi phòng học khoảng 500 triệu đồng, cần ít nhất 10 tỷ đồng để xây mới một trường mầm non. Các trường đã xây tập trung thì thiếu phòng học, phòng chức năng…
Ðể đạt tiêu chí trường học trong xây dựng NTM, hệ thống trường học ở các xã phải có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia. Ðây là một trong những nhiệm vụ nặng nề với các xã bởi kinh phí đầu tư xây dựng trường lớn, sự hỗ trợ của tỉnh, huyện hạn chế, nguồn vốn chủ yếu trông chờ vào ngân sách địa phương. Quỳnh Lâm, một trong những xã khó khăn của huyện Quỳnh Phụ đến nay mới đạt 11/19 tiêu chí NTM, 8 tiêu chí còn lại đều là những tiêu chí cần huy động nguồn vốn lớn, trong đó có tiêu chí trường học.
Ông Lê Bá Bùi, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hệ thống trường học của xã được xây dựng từ lâu, nhiều lớp học đã xuống cấp. 9 lớp mầm non với 213 cháu vẫn phải học ở 4 điểm lẻ của 4 thôn. Xã đã quy hoạch đất gần khu trung tâm để xây mới trường mầm non, tuy nhiên chưa có kinh phí nên chưa thể triển khai xây dựng được. Trường Tiểu học hiện thiếu 3 phòng học do các phòng này đã xuống cấp nghiêm trọng nên phải đóng cửa. Trường Trung học cơ sở cũng là dãy nhà cấp 4 xây dựng từ lâu. Dự kiến kinh phí đầu tư nâng cấp, xây dựng 3 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở của Quỳnh Lâm cần ít nhất khoảng 15 tỷ đồng. Ngân sách địa phương chủ yếu trông chờ từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất theo Quyết định 372 ngày 11/9/2003 của UBND tỉnh.Tuy nhiên, do Quỳnh Lâm là xã xa trung tâm, không có đường liên xã chạy qua nên nguồn vốn này cũng rất eo hẹp.
Giống như Quỳnh Lâm, Quỳnh Hội hiện chưa xây dựng được trường mầm non trung tâm dù đất đã được quy hoạch. Theo ông Nguyễn Ðức Dần, Chủ tịch UBND xã, hiện các cháu mầm non vẫn phải theo học ở 5 điểm tại 5 thôn. Các điểm này là tận dụng lại nhà kho cấp 4 xây dựng từ lâu. Các trang thiết bị phục vụ dạy và học chỉ ở mức độ tối thiểu. Ngân sách địa phương eo hẹp, lại không có đơn vị, cá nhân nào tài trợ nên tiêu chí trường học rất khó thực hiện. Ông Lại Cao Hạnh, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Quỳnh Phụ cho biết thêm: Ðể đạt được tiêu chí trường học, thời gian qua, ngành giáo dục huyện đã đẩy mạnh phối hợp với các địa phương trong việc đầu tư, huy động nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy và học cho các trường. Ðể giải quyết bài toán kinh phí, các địa phương cần thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, huy động sự chung tay giúp sức của cộng đồng.
Tìm về xã Quỳnh Giao, địa phương làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước hệ thống trường học xây dựng khang trang nơi đây. Ðứng trước ngôi trường mầm non bề thế chuẩn bị đưa vào sử dụng, ông Nguyễn Quang Mô, Phó Chủ tịch UBND xã vui vẻ cho biết: Thực hiện xây dựng NTM nói chung, xây dựng trường mầm non nói riêng, xã đẩy mạnh công tác xã hội hóa bằng việc kêu gọi sự ủng hộ của con em xã quê thông qua các cuộc gặp mặt, thư ngỏ… Nhờ đó, ngôi trường mầm non bề thế với 61 phòng, tổng nguồn vốn xây dựng trên 25 tỷ đồng sắp hoàn thành trên mảnh đất thuần nông còn nhiều khó khăn này, trong đó riêng con em xa quê đã ủng hộ gần 20 tỷ đồng. Ngắm ngôi trường to đẹp đang được hoàn thiện mới thấy quyết tâm của chính quyền địa phương cũng như sự quan tâm đầu tư cho giáo dục của người dân nơi đây.
Việc quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của địa phương mà còn giúp các xã đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Ðể gỡ khó cho bài toán kinh phí, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động nguồn lực tại chỗ, các địa phương cần tổ chức tốt công tác xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể, con em xa quê chung tay góp sức.
nguồn: baothaibinh.com.vn