Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu rau quả đã vượt gạo và dầu thô. Theo nhiều chuyên gia dự báo, trong 5-10 năm tới, nếu tận dụng tốt lợi thế thiên nhiên ban tặng, xuất khẩu rau - quả có thể đạt 10 tỷ USD, thậm chí hơn.
Tại sao các chuyên gia có nhận định như vậy?
Thứ nhất, nói về thị trường - yếu tố quyết định, thì thị trường rau - quả là rất lớn. Thị trường rau - quả hiện đạt khoảng 200 tỷ USD/năm và vẫn đang tiếp tục tăng trong khi thị trường gạo chỉ vài chục tỷ USD/năm và rất khó tăng trưởng.
Thứ hai, Việt Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa với một mùa đông lạnh ở phía Bắc và rất nhiều đặc sản riêng có của mỗi vùng. Đây là điều kiện rất thuận lợi của chúng ta. Nói vậy vì sản xuất nông nghiệp của ta có thể diễn ra quanh năm và chủng loại rau - quả của ta rất đa dạng. Vừa có rau - quả nhiệt đới, vừa có rau - quả cận nhiệt và ôn đới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để giá trị xuất khẩu rau - quả đạt 10 tỷ USD/năm hoặc cao hơn, công việc của chúng ta phải làm rất lớn. Bắt đầu từ quy hoạch vùng trồng, công nghệ để có giống cây chất lượng tốt, quy trình trồng, thu hái, sơ chế, bảo quản, chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Tiếp đó là xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại,…
Cách làm của Bắc Giang đối với trái vải có thể là bài học cho các địa phương khác trong hành trình khai thác tiềm năng, lợi thế hiệu quả.
Hơn 20 năm trước, vùng đất Lục Ngạn của Hà Bắc cũ (nay là Bắc Giang) chỉ có sắn và sắn mà do đất đai toàn sỏi đá nên củ sắn cũng bé tẹo teo; đa phần người dân thu nhập thấp và nghèo, rất nghèo. Nhưng từ khi cây vải có mặt ở đây thì cứ từng bước, từng bước, vùng đất này khấm khá lên. Vụ vải năm 2018, tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ đạt hơn 215 nghìn tấn (tăng 124 nghìn tấn so với năm 2017); giá bình quân 16.000 đồng/kg, tổng doanh thu đạt 5.755 tỷ đồng, tăng 448 tỷ đồng so với năm 2017. Vải thiều đã được xuất đi hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ với số lượng 97,1 nghìn tấn, chiếm 45% so với tổng sản lượng tiêu thụ, kim ngạch đạt 170,5 triệu USD.
Kết quả trên cho thấy công tác chỉ đạo tổ chức sản xuất, áp dụng quy trình an toàn được các cấp chính quyền, cơ quan chức năng triển khai đồng bộ. Hai là, trải qua gần 20 năm chuyển từ lúa, sắn sang vải và tiếp cận thị trường, tư duy sản xuất của người trồng vải nơi đây đã thay đổi; họ tự nguyện liên kết với nhau trong chuỗi sản xuất - tiêu thụ. Ba là, công tác xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường được cả chính quyền, người dân chủ động triển khai, nhiều khó khăn của các năm trước được tháo gỡ, nhiều phương án hỗ trợ được triển khai,…
Tuy vậy, nhìn vào số lượng vải thiều xuất khẩu, thấy có tới trên 95% số lượng vải xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, chỉ còn dưới 5% vào các thị trường EU, Mỹ, Nga, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Úc, Thái Lan,… Điều này cho thấy 3 vấn đề, một là, chúng ta còn phụ thuộc quá lớn vào một thị trường; hai là, chủ yếu xuất tươi (Trung Quốc ở gần, xuất tươi dễ dàng hơn); và ba là, chất lượng chưa đồng đều.
Để khai thác hiệu quả lợi thế có được, cần tổ chức tốt quá trình sản xuất quy mô lớn, đồng bộ. Làm tốt việc này sự đồng nhất về chất lượng sẽ được cải thiện và việc liên kết với doanh nghiệp sẽ thuận lợi. Thứ hai, các doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất nông sản cần nghiên cứu để đa dạng hóa sản phẩm. Làm được việc này vừa hạn chế bán tươi, vừa giảm sự phụ thuộc lớn vào một thị trường. Thứ ba, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ thị hiếu các thị trường khác nhau để định hướng cho nhà nông. Thứ tư, Nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu sâu các hiệp định thương mại tự do để doanh nghiệp xúc tiến thương mại ở các thị trường này, giúp cho nông sản Việt bay xa hơn, nhanh hơn, rộng hơn và đặc biệt, mang lại giá trị cao hơn.
Theo: Hiền Anh/kinhtenongthon.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn