Xây dựng nông thôn mới tại xã Đăk Hlơ, huyện Kbang. Ảnh: Lương Thanh |
Nằm trong dải thung lũng màu mỡ, thời tiết ôn hòa, xã An Phú, thành phố Pleiku là vùng đất lý tưởng để phát triển các loại cây hoa màu phục vụ thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Xác định rõ tiềm năng lợi thế của địa phương, ngay từ giai đoạn đầu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã đã tích cực vào cuộc triển khai hiệu quả các đề án phát triển kinh tế nhằm khai thác triệt để thế mạnh tiềm năng. Nhờ đó, các mô hình trồng rau an toàn có qui mô hiện đại, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật liên tiếp được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Hơn 70% diện tích đất trong toàn xã được người dân đầu tư trồng hoa màu theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đã mang lại cho mỗi hộ thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/năm. Việc chuyển đổi hiệu quả sản xuất từ quy mô nhỏ sang mô hình sản xuất hàng hóa đã đưa thu nhập bình quân đầu người của xã An Phú đạt khá cao, hơn 23 triệu đồng/người/năm.
Toàn xã hiện không còn hộ nghèo, đời sống người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao tạo nền tảng vững chắc góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Ông Đỗ Thanh Thú ở xã An Phú, thành phố Pleiku cho biết: Từ khi chuyển đổi sang sản xuất hoa màu theo tiêu chuẩn Vietgap, chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giảm đáng kể lại đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân, mọi người và môi trường. Sản phẩm làm ra được thị trường chấp nhận và giá bán cũng cao hơn.
Sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương cùng với sự đồng tình hưởng ứng nhiệt tình từ phía người dân đã đưa xã An Phú là 1 trong 5 xã đầu tiên của tỉnh cán đích Chương trình xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn phủ lên mình một gam màu sáng với những ngôi nhà khang trang bên những con đường làng sạch đẹp. Bằng việc huy động hiệu quả các nguồn lực cùng tham gia, đồng thời phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh được thực hiện đúng lộ trình đề ra. Các tiêu chí khó thực hiện dần được tháo gỡ hiệu quả.
Theo tổng hợp của Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của tỉnh, đến cuối năm 2013, toàn tỉnh có 5/45 xã điểm hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới, gồm các xã Tân An (huyện Đăk Pơ), Đăk Hlơ (huyện Kbang), Diên Phú, An Phú và Biển Hồ (thành phố Pleiku), 1 xã đạt 18 tiêu chí và 20 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí.
Ông Nguyễn Đạt, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới xã An Phú cho biết: Chúng tôi đã hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới sớm hơn 2 năm so với lộ trình đề ra; có được kết quả đáng phấn khởi này là sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và nhận thức của người dân về những lợi ích thiết thực mà Chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại, từ đó tạo động lực to lớn thúc đẩy bà con phấn đấu phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo.
Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hạ tầng kinh tế xã hội tại các địa phương đã được đầu tư xây dựng theo nhu cầu, nguyện vọng của người dân tạo bước chuyển biến mới cho bộ mặt nông thôn. Nhiều nơi xuất hiện cách làm hay trong triển khai xây dựng nông thôn mới như vận động người dân hiến đất, tham gia ngày công làm đường giao thông, kênh mương, thủy lợi. Mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn được nhân rộng, phát huy hiệu quả góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 23,75% năm 2011 xuống còn 16,95%. Đặc biệt một số xã không còn hộ nghèo như Diên Phú, An Phú (thành phố Pleiku).
Để thực hiện mục tiêu 45 xã điểm hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong hai năm 2014 - 2015, bên cạnh sự hỗ trợ của Trung ương, việc chủ động lồng ghép nguồn vốn, tiếp tục huy động nguồn lực đóng góp từ xã hội kết hợp với huy động sức dân được xem là giải pháp quan trọng để tỉnh Gia Lai thực hiện những mục tiêu mà Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đặt ra, phấn đấu có thêm 19 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2014.
Nguyễn Hoài Nam
Nguồn: baotintuc.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn