Ngày 30-3, TPHCM sơ kết chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2013 và 2 năm thực hiện phong trào “Cả TP chung sức xây dựng NTM”, đến dự có đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, cùng 4 phó bí thư, lãnh đạo UBND TPHCM, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn kiêm Phó Ban Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM Trần Thanh Nam, các ban ngành đoàn thể.
|
Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tặng hoa và bằng khen cho các hộ nông dân tích cực hiến đất làm đường. ẢNH: PHẠM CAO THĂNG. |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Đua-Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM kiêm Trưởng Ban chỉ đạo của Thành ủy về chương trình xây dựng NTM nhấn mạnh, với sự tham dự tập thể Thành ủy tại buổi sơ kết này cho thấy, TPHCM đặc biệt quan tâm đến đời sống nông dân ngoại thành, xây dựng NTM và phát triển nông nghiệp đô thị. Hai vấn đề lớn là làm sao phát huy vai trò chủ thể, tức người dân tại chỗ - cũng là người thụ hưởng trong quá trình xây dựng NTM và vấn đề xây dựng tổ chức Đảng trong việc xây dựng NTM.
Thực tế cho thấy, không thể có được hệ thống đường giao thông nông thôn hiện nay nếu như không có 8.000 hộ dân ủng hộ 84 ha đất. Trong tổng vốn đầu tư cơ sở hạ tầng 14.500 tỷ đồng, vốn của nhà nước có 3.300 tỷ đồng, chiếm 27%, còn lại là của dân. Tổng vốn đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp khoảng 7.400 tỷ đồng, nhà nước chỉ góp 187 tỷ đồng, còn lại là vốn của dân và ngân hàng. Như vậy 1 đồng nhà nước bỏ ra đã huy động được 33 đồng của xã hội. Nếu không phát huy vai trò chủ thể nông thôn thì năm 2013, giá trị gia tăng trong sản xuất nông lâm ngư nghiệp TP không thể tăng 5,6%. Một trong những yếu tố thành công là nhờ biết phát huy vai trò chủ thể tại chỗ. Vì vậy vai trò của đảng ủy cơ sở rất quan trọng trong việc lựa chọn hạng mục đầu tư để có thể phát huy hiệu quả nhất.
Để phát huy hơn vai trò chủ thể, theo đồng chí Nguyễn Văn Đua, cần hỗ trợ người dân trong việc phát triển kinh tế hợp tác, đào tạo để nâng cao tay nghề nông dân như cách mà Hội Nông dân TP đã đưa nông dân học tập các nước về sản xuất nền nông nghiệp đô thị. Dạy nghề phải đi đôi với việc tạo việc làm, đồng thời nâng cao trình độ học vấn cho con em nông dân, chủ thể trong tương lai. Việc huy động nguồn lực của khu vực nội thành nếu làm tốt sẽ tạo bước chuyển đáng kể trong việc chung sức xây dựng NTM. Việc đạt các tiêu chí xây dựng NTM không chỉ từ sự công nhận của ban chỉ đạo mà còn từ chỉ số hài lòng của người dân.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT kiêm Phó Ban Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM Trần Thanh Nam cho rằng, với việc chuyển đổi thành công sang nông nghiệp đô thị, đào tạo nghề chuyển dịch lao động nông thôn vào các khu công nghiệp và cả TP chung sức xây dựng NTM, nhiều khả năng TPHCM sẽ là địa phương đầu tiên xây dựng thành công NTM. Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị TPHCM, đối với việc quy hoạch nông nghiệp trong xây dựng NTM cần đặt trong bối cảnh phát triển kinh tế chung của TP, không đô thị hóa hoàn toàn mà vẫn còn những vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hướng đến mục tiêu phát triển xanh nền nông nghiệp đô thị sinh thái, hài hòa với việc bảo vệ môi trường.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo của Thành ủy về chương trình xây dựng NTM, ngoài 6 xã thí điểm xây dựng và đạt 19/19 tiêu chí về NTM, hiện đã nhân rộng 50 xã còn lại, trong đó, năm 2014 phấn đấu 17 xã đạt từ 17 tiêu chí trở lên, các xã khác đạt tối thiểu 15 tiêu chí.
Hội nghị đã tổ chức ký kết hợp tác giữa UBMTTQ TPHCM, Hội Nông dân TP, 19 quận nội thành, 19 cơ sở đảng và 7 tổng công ty với 5 huyện trong việc cùng chung tay xây dựng NTM để đến cuối năm 2015, 56 xã hoàn thành việc xây dựng NTM. Dịp này, TPHCM đã khen thưởng 17 hộ dân tích cực hiến đất, 25 tập thể, 17 cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng NTM.
Theo sggp. org.vn