Mặc dù Việt Nam là nước có thế mạnh về nông nghiệp, nhưng một số lĩnh vực trong nông nghiệp được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn khi Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), đặc biệt là ngành chăn nuôi.
Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sau khi Việt Nam vừa hoàn thành đàm phán việc ký kết TPP.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn.
Xin ông cho biết ngành nông nghiệp sẽ có cơ hội gì khi Việt Nam ký kết TPP?
- Khu vực 12 nước tham gia ký kết TPP có dân số hơn 600 triệu người, chiếm 40 GDP toàn cầu, 26% giá trị hàng hóa toàn cầu, nhưng 12 quốc gia này lại có trình độ phát triển rất khác nhau, trong đó Việt Nam là nước có trình độ đi sau. Khi tham gia vào khu vực này, Việt Nam sẽ có 4 cơ hội.
Thứ nhất là có thị trường rộng lớn hơn 600 triệu dân, giúp Việt Nam có cơ hội giảm áp lực trong việc phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống.
Ví dụ, chúng ta phụ thuộc một phần vào thị trường Trung Quốc, xuất khẩu gạo vào Trung Quốc chiếm 35%, cao su chiếm 48%, rau quả chiếm 64%, gỗ 12,3 %... nhập khẩu đầu vào cho nông nghiệp chiếm tới 62,5%. Trung Quốc là bạn hàng lớn nhưng chính sách thiếu ổn định. Vì vậy, việc mở ra một thị trường lớn là TPP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu, giúp Việt Nam linh hoạt xuất khẩu nông sản hơn.
Thứ hai, ngay sau khi TPP có hiệu lực, hầu hết các mặt hàng nông sản sẽ được giảm thuế, nhiều loại thuế xuống mức 0%, tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn cho hàng nông sản Việt Nam như: thủy sản, đồ gỗ…
Hiện Việt Nam đang xuất khẩu đồ gỗ vào Mỹ chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ, vào là Nhật 19%; xuất khẩu thủy sản vào Mỹ chiếm 19%, vào Nhật 16%... Chúng ta đang phải chịu thuế xuất, nhưng khi thuế về 0% sẽ tạo ra lợi thế rất lớn cho hàng Việt Nam so sánh với các nước như: Trung Quốc, Thái Lan…
Thứ ba, khi các thị trường thông thương sẽ thu hút nhiều vốn đầu tư hơn từ các nước TPP, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Hiện Việt Nam chỉ có 512 dự án FDI trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 3,43% số doanh nghiệp FDI, con số này quá thấp. Đặc biệt, giá trị vốn cam kết đầu tư chỉ là 3,33 tỷ USD chiếm 1,4%. Do vậy, TPP sẽ là cơ hội để để ngành nông nghiệp thu hút đầu tư, thu hút công nghệ cao, kỹ năng quản lý.
Cuối cùng, TPP sẽ giúp ngành nông nghiệp có cơ hội thúc đẩy việc tái cấu trúc lại ngành, trọng tâm là đưa công nghệ, cách quản lý mới vào nông nghiệp. Tạo ra một đòn bẩy để thúc đẩy phát triển nông nghiệp trong những năm sắp tới.
Còn những thách thức với ngành nông nghiệp Việt Nam khi gia nhập TPP là gì, thưa ông?
- Lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam vẫn mang hơi hướng sản xuất nhỏ, Việt Nam có 3.500 doanh nghiệp trong nông nghiệp, chỉ chiếm 1,01% tổng số doanh nghiệp, hơn nữa lại chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, có vốn dưới5 tỷ đồng chiếm 65%.
Do vậy, nếu duy trì cách quản lý, chất lượng sản phẩm như hiện nay, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn khi gia nhập TPP, ví dụ lĩnh vực chăn nuôi hộ sẽ gặp nhiều khó khăn. Việt Nam có các doanh nghiệp lớn, chăn nuôi công nghệ cao như: TH true milk, Vinamilk, HAGL… nhưng vẫn còn ít.
Do vậy, các doanh nghiệp nông nghiệp đang đứng trước đòi hỏi phát triển, nâng cao trình độ, không linh hoạt sẽ bị phá sản. Nếu coi TPP là liều thuốc thử mạnh, cả hệ thống, cà guồng máy không cải thiện thì chúng ta sẽ thua trên sân nhà.
Vậy Bộ Nông nghiệp sẽ làm gì để giúp nền nông nghiệp Việt Nam “cất cánh” thưa ông?
- Ngay từ đầu, Bộ Nông nghiệp đã theo sát cùng với đoàn đám phán. Do vậy, chúng tôi đã mường tượng được những việc phải làm, những việc này cũng nằm trong đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Chúng tôi sẽ kiên trì thực hiện tái cơ cấu, xây dựng các cánh đồng lớn, xây dựng các vùng nguyên liệu, đảm bảo các quy trình sản xuất sạch, sản xuất an toàn, gắn kết với thị trường tiêu thụ. Nâng cao năng suất, giá trị trên một đơn vị diện tích, linh hoạt hơn trong việc chọn sản phẩm đầu ra, đảm bảo chất lượng quốc tế theo yêu cầu của sân chơi chung.
Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước bằng cơ chế chính sách, và sự vươn lên của doanh nghiệp, bà con chắc chắn chúng ta sẽ hội nhập thành công.
Tin, ảnh: H.V (Báo Tin Tức)