(Baonghean) - Với sự năng động của các địa phương, cùng sự chỉ đạo sát sao của huyện, phong trào xây dựng nông thôn mới ở Quỳnh Lưu đã có cuộc “bứt phá” ngoạn mục. Chỉ tiêu đề ra năm 2014 chỉ 1 xã về đích là Quỳnh Lương, nhưng đến nay, huyện có thêm 4 xã là Quỳnh Thạch, Quỳnh Đôi, Quỳnh Hậu và Quỳnh Nghĩa.
Những ngày này, ông Nguyễn Xuân Dinh - Phó Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu bận rộn hơn. Ngoài việc chỉ đạo triển khai sản xuất vụ xuân trên địa bàn toàn huyện, ông còn lo chuẩn bị cho các xã về đích nông thôn mới năm nay. Theo ông, phong trào xây dựng nông thôn mới ở Quỳnh Lưu có những tăng tốc ngoạn mục. Trong năm nay, ban chỉ đạo tập trung cho xã Quỳnh Lương để thực hiện chỉ tiêu mà huyện đăng ký. Sau khi rà soát các xã về chỉ tiêu trên cơ sở đối chiếu bộ tiêu chí (đã được điều chỉnh theo hướng giảm mức yêu cầu để phù hợp với thực tế), ban chỉ đạo chọn 4 xã có đủ khả năng về đích trong năm nay để tập trung chỉ đạo. Theo đó, các xã: Quỳnh Thanh, Quỳnh Hậu, Quỳnh Đôi và Quỳnh Nghĩa đã cán đích thành công, chờ ban chỉ đạo tỉnh thẩm định đề nghị UBND tỉnh công nhận.
Về Quỳnh Hậu, chúng tôi cảm nhận rõ không khí rộn ràng của xã đạt chuẩn nông thôn mới. Những km đường cuối cùng đang được nhà thầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện. Đường làng, ngõ xóm được học sinh các cấp dọn vệ sinh, khuôn viên trụ sở ủy ban được trang điểm bằng hệ thống cây cảnh… Chủ tịch UBND xã Hồ Văn Hóa cho biết: Trước đây Quỳnh Hậu cũng được chọn trong nhóm về đích 2014 cùng Quỳnh Lương và Ngọc Sơn. Nhưng sau xét thực lực, huyện rút lại chỉ chọn Quỳnh Lương làm điểm để rút kinh nghiệm. Sau khi Thông tư 05 của Bộ Văn hóa Thể thao – Du lịch ra đời, điều chỉnh Thông tư 12 trước đây về tiêu chuẩn các thiết chế văn hóa như diện tích khuôn viên nhà văn hóa từ 500 xuống 300 m2,150 chỗ ngồi xuống còn 100. Sân thể thao có thể tách riêng không nằm trong nhà văn hóa.
Vì thế, sau khi 2 tiêu chí là văn hóa và giao thông vốn gặp khó khăn của Quỳnh Hậu, được “hạ chuẩn”, Đảng ủy, chính quyền họp bàn, soát xét nội, ngoại lực, thấy đủ điều kiện, xác định đây là thời cơ để Quỳnh Hậu “tăng tốc” về đích năm 2014. Tháng 8 đăng ký với huyện, tháng 9 triển khai, mọi đoàn thể huy động vào cuộc. Hơn 1.400 tấn xi măng chuyển về, gần 27.000m2 đất được hiến cùng với 38 tỷ đồng từ các nguồn lực huy động, đến nay, 6,1 km đường cấp A, 2,6 km đường cấp C, 15 km đường xóm và 15,4 km đường nội đồng đã hoàn thành. Để đẩy nhanh tiến độ, xã hợp đồng với 4 nhà thầu thi công để kịp tiến độ. Về vấn đề kinh phí, xã kêu gọi đảng viên gương mẫu đi trước. Đặc biệt, ở xóm 1 có đảng viên đã cho các hộ khó khăn vay hơn 50 triệu đồng để đóng góp cho kịp tiến độ.
Quỳnh Đôi cũng là xã phấn đấu về đích cuối năm 2014. Xã có lao động sống xa quê xấp xỉ bằng dân số địa phương 4.500/5.000 người, nên phát huy được ngoại lực từ con em thành đạt xa quê để đẩy nhanh tốc độ xây dựng nông thôn mới. Nhiều công trình có tổng kinh phí lớn hàng chục tỷ đồng do con em quê hương sống ở Hà Nội và các vùng, miền đầu tư xây như: nhà văn hóa, thư viện, hội trường… đều được hình thành từ các nguồn vốn lồng ghép. Trao đổi với chúng tôi về bài học kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch UBND xã Hồ Quang Tuấn chia sẻ: Quỳnh Đôi dân số ít, nên nguồn thu thấp hơn các địa phương khác. Để có kinh phí, xã chủ trương phải huy động nhiều nguồn vốn khác nhau, trong đó có nguồn của con em địa phương ở xa. Mọi công trình xây dựng trên địa bàn sau khi thống nhất trong cấp ủy còn được đưa ra cho các xóm bàn bạc để người dân chọn địa điểm, thống nhất quy mô, kết cấu công trình. Từ đó, các hộ huy động con em xa quê đóng góp. Trong những năm qua, với hơn 70 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã, Nhà nước chỉ hỗ trợ 2 tỷ đồng, số còn lại từ các nguồn khác nhau, trong đó có bà con xa quê đóng góp hơn 20 tỷ đồng. Điều này giúp Quỳnh Đôi đẩy nhanh tốc độ xây dựng nông thôn mới.
Thực tế ở Quỳnh Lưu cho thấy, mỗi một địa phương phấn đấu về đích năm 2014 đều đã chọn một hướng đi riêng, phù hợp với đặc điểm của địa phương mình. Đối với Quỳnh Thạch, lấy mũi nhọn phát triển kinh tế làm động lực thúc đẩy phong trào. Toàn xã đã thành lập được 3 hợp tác xã, trong đó, HTX Lam Cầu đã xây dựng được cánh đồng mẫu lớn với diện tích hơn 60 ha, chuyên sản xuất lúa xuất khẩu cho Tổng Công ty vật tư nông nghiệp Nghệ An. Do giá trị đạt cao, nên đã nâng thu nhập đáng kể cho bà con. Ngoài ra, xã còn xây dựng được 3 làng nghề thu hút được 450 lao động có việc làm thường xuyên gắn với doanh nghiệp Phương Anh đóng trên địa bàn xã…. Nhờ gắn với doanh nghiệp mà cơ cấu lao động đã có bước chuyển dịch rõ nét theo đúng định hướng, sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, xã chỉ có dưới 35% lao động nông nghiệp.
Theo ông Nguyễn Xuân Anh - Phó Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Quỳnh Lưu, ngoài việc đẩy nhanh tốc độ xây dựng các tiêu chí, huyện xác định trọng tâm là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong 3 năm qua, với hơn 5,6 tỷ đồng tập trung cho xây dựng các mô hình sản xuất, nhiều mô hình thành công được nhân rộng như sản xuất rau màu, nuôi tôm ở Quỳnh Lương, Quỳnh Ninh, Tân Sơn, Quỳnh Bảng; khai thác chế biến thủy sản ở Quỳnh Nghĩa… Huyện đã tích cực chuyển đổi hơn 12.600 ha lúa lai sang trồng lúa chất lượng cao, đưa diện tích lúa chất lượng cao chiếm 70% diện tích đất lúa. Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã tăng nhanh. Nếu như năm 2010, tỷ lệ làm đất trồng lúa bằng máy là 65% đến nay đã lên đến hơn 80%.
Với sự năng động của các địa phương, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo của huyện, phong trào xây dựng nông thôn mới ở Quỳnh Lưu đạt được kết quả rất đáng ghi nhận.
Theo: baonghean.vn