01:17 EDT Thứ bảy, 20/07/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tin tức nông thôn mới » Tin trong nước


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới từ làm du lịch làng quê

Thứ hai - 05/01/2015 19:54
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) gặp không ít khó khăn, thách thức. Ðể hoàn thành đầy đủ các tiêu chí, mỗi địa phương đã có cách làm riêng, dựa trên các điều kiện, lợi thế kinh tế, xã hội của mình. Trong đó, du lịch làng quê được coi là một hướng đi mới đem lại hiệu quả đáng kể nếu biết cách khai thác.

Bài 1: Lợi ích từ du lịch làng quê

Hiện nay, ngày càng có nhiều du khách lựa chọn hình thức du lịch làng quê để trải nghiệm, khám phá những nét văn hóa, cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân địa phương. Du lịch làng quê đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, phát triển cơ sở hạ tầng, và mở ra hướng giúp các xã nghèo có thêm nguồn lực xây dựng nông thôn mới.

Trải nghiệm du lịch "homestay"

Từ trung tâm huyện Bát Xát (Lào Cai), chúng tôi chạy xe hơn 70 km trên những cung đường núi dọc biên giới Việt - Trung để đến xã vùng cao Y Tý. Nằm ở độ cao hơn 2.000 m, lưng tựa vào dãy núi Nhù Cù San hầu như quanh năm mây phủ, nên Y Tý được gọi là "Thung lũng sương mù". Trải dài hai bên đường, hoa dã quỳ vàng ruộm ôm lấy những thửa ruộng bậc thang cao vời vợi. Lưng chừng núi, thấp thoáng những ngôi nhà trình tường của đồng bào Hà Nhì mờ ảo rồi lại mất hút vào trong đám lá rừng. Ðến Y Tý vào xế chiều, nhờ người liên hệ trước, chúng tôi đến nhà cô Sùng Thị Si, thôn Ngại Trầu. Nhà cô Si được làm bằng gỗ, hai tầng. Tầng một có vách ngăn chia thành nhiều phòng nhỏ làm nơi sinh hoạt của gia đình. Tầng hai kê khoảng 10 chiếc đệm làm chỗ nghỉ cho khách du lịch. Cô Si tâm sự: Mình tự học cách làm dịch vụ homestay (dịch vụ mà khách du lịch chọn nhà ở của người dân địa phương làm điểm dừng chân trong chuyến đi khám phá văn hóa bản địa. Mọi hoạt động từ nghỉ ngơi, ăn uống đến vui chơi, giải trí... đều gắn với gia chủ). Dịch vụ này đầu tư đơn giản, không tốn lao động. Ngoài việc sắm thêm đệm, chăn, giữ gìn vệ sinh khu vực nhà ở, mỗi khi có đoàn khách đến nghỉ lại, chỉ cần cắt cử một người ở nhà là có thể quán xuyến mọi việc. Tuy là làng du lịch tự phát, người dân tự mày mò cách làm du lịch nhưng từ ngày "bén duyên" với dịch vụ này, nỗi vất vả của gia đình cô Si cũng như nhiều người dân ở Y Tý đã vơi đi phần nào. Ðặc biệt, với những hộ làm dịch vụ homestay, mỗi tháng, họ có thu nhập đều đặn từ ba đến năm triệu đồng từ các dịch vụ du lịch.

Theo chân các "hướng dẫn viên" là đồng bào Mông, Hà Nhì, chúng tôi được dịp rong ruổi qua nhiều bản. Thấy khách đến, ông Ly Se Mờ, Trưởng thôn Mò Phú Chải hồ hởi: Tý nữa ở lại đây chung vui với bản mình nhé. Hôm nay, bản mình tổ chức ngày đại đoàn kết toàn dân, cả bản đông vui lắm.

Dường như sự xuất hiện của người lạ không còn là điều lạ lẫm với bà con dân bản vì họ đã quen với việc thường xuyên đón tiếp khách du lịch. Với chi phí ăn, nghỉ của dịch vụ homestay chỉ hơn 200 nghìn đồng/ngày nhưng chúng tôi được trải nghiệm nhiều cảm giác thú vị. Ðể khi rời Y Tý, sự chân tình của đồng bào vùng cao và hơi thở mênh mông của đại ngàn luôn vấn vương trong tâm trí.

 

Du khách trải nghiệm cuộc sống thực tế tại làng du lịch Pác Rằng, huyện Quảng Uyên (Cao Bằng).

 

Những "nông dân" đặc biệt

Nếu Y Tý là làng du lịch "tự phát" thì làng du lịch Pác Rằng, xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên (Cao Bằng) lại được hình thành từ Dự án Phát triển du lịch bền vững Tiểu vùng Mê Công mở rộng, do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ. Ngoài con đường bê-tông khang trang dẫn về bản, làng Pác Rằng còn được đầu tư xây dựng chuồng gia súc để di dời trâu bò ra khỏi gầm sàn, làm nhà vệ sinh tự hoại, bể bi-ô-ga... nhằm giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đón khách.

Không giống như những làng quê khác, ngay từ lúc đặt chân đến bản Pác Rằng, âm thanh vang dội từ tiếng búa, tiếng đe đã rền rã cả góc trời. Bản Pác Rằng nằm bên quốc lộ 3, hướng đi cửa khẩu quốc tế Tà Lùng. Cả bản có hơn 50 hộ gia đình dân tộc Nùng cư trú. Dọc hai bên đường là những ngôi nhà sàn gỗ truyền thống quần tụ, san sát nhau. Chị Nông Thanh Thủy đang phơi ngô trên sàn, phụ giúp chị là ba thanh niên tóc vàng, cầm bàn cào răng cưa bằng gỗ cào ngô, có phần lóng ngóng, nhưng những người "nông dân" này lại tỏ ra rất hào hứng. Chị Thủy quay sang tôi cười hóm hỉnh: Khách du lịch người nước Anh đấy, họ ở nhà mình được ba ngày rồi. Vừa có thêm lao động trong nhà, vừa có thêm thu nhập, nhà mình như vậy là "lãi" lắm. Theo lời chị Thủy, đoàn khách nước ngoài rất thích được trải nghiệm thực tế. Buổi sáng, họ dậy sớm cùng với các thành viên trong gia đình gầy lò rèn nhóm lửa nung sắt, và cũng cầm búa "nện" vào khối sắt mới nung đỏ rực bằng đôi tay chắc nịch giống như người thợ rèn thực thụ. Những người "nông dân" đặc biệt này cũng xuống ruộng cày bừa, làm cỏ lúa. Chiều đến, cảnh tượng những "ông Tây" cao to đạp xe đạp chở ngô, thóc đi xay xát, lùa vịt về chuồng không còn lạ lẫm.

Ông Ða-vít Phi-líp (du khách người Anh) chia sẻ rằng, ông học được ở người nông dân Việt Nam tính cần cù, tỉ mỉ và lạc quan trong lao động. Khi trở về nước Anh, ông sẽ kể cho bạn bè nghe về làng rèn Pác Rằng, về văn hóa làng quê Việt Nam. Ông mong muốn có dịp quay lại để trải nghiệm thêm những nét văn hóa độc đáo của người nông dân Việt Nam. Còn anh Trần Văn Khánh (Nam Ðịnh) lại rất vui khi gia đình anh được biết thêm về nghề rèn. Nhờ đó mà các con anh cảm nhận được nỗi vất vả của những người thợ. Anh Khánh tin rằng, sau chuyến đi này, lũ trẻ sẽ thêm yêu lao động và trưởng thành hơn.

Làm du lịch cộng đồng không khó, chủ yếu là tận dụng cơ sở vật chất sẵn có. Chị Thủy (thôn Pác Rằng) nhẩm tính: Gia đình tôi chi 10 triệu đồng mua chăn ấm, đệm và ván ép chỉnh trang lại nhà cửa. Như thế là đầu tư không nhiều. Một khách du lịch ở lại qua đêm, gia đình chỉ thu 80 nghìn đồng, tính ra là gần bằng 20 kg ngô. Chị kể tiếp: Một đoàn khách thường đi từ năm đến bảy người, vậy là chúng tôi có thu nhập bằng cả tạ ngô. Chưa kể lợi nhuận từ các dịch vụ ăn uống, bán nông sản, nông cụ cho du khách... Tháng nào đông khách, nhà tôi lại có thêm vài triệu đồng từ các dịch vụ du lịch mà vẫn bảo đảm được công việc nhà nông. Như vậy, từ một làng nghề truyền thống, người dân chỉ biết đến nghề rèn và gắn bó với cây ngô, cây lúa, bây giờ nhờ sự kết hợp khéo léo, người dân ở Pác Rằng đã có thêm một nghề mới - nghề làm du lịch.

Khai thác tiềm năng, tạo nguồn lực mới

Những làng quê như Y Tý hay làng nghề truyền thống Pác Rằng là hình ảnh quen thuộc, phổ biến ở hầu hết các tỉnh, thành phố Việt Nam. Với không gian làng xã sinh động cùng nhiều làng nghề truyền thống, việc khai thác tiềm năng phát triển du lịch làng quê không phải là việc quá khó. Thực tế nhiều địa phương như Quảng Ninh, Hòa Bình, Lào Cai, Bến Tre... đã gắn kết thành công nhiều hoạt động du lịch với các làng nghề và hoạt động sản xuất nông nghiệp. Dù là làng du lịch tự phát hay là được đầu tư từ các dự án, nhưng bước đầu những mô hình này đã thu được kết quả khả quan. Như lời tâm sự của Trưởng thôn Mò Phú Chải (xã Y Tý) Ly Se Mờ: "Nhà nào biết làm du lịch thì có đủ cái ăn, cái mặc. Ðấy là mong ước bao đời nay của dân bản mình".

Không chỉ giúp cải thiện cuộc sống, "kích cầu" tiêu dùng tại địa phương, Bí thư Ðảng ủy xã Phúc Sen (huyện Quảng Uyên, Cao Bằng) Lương Văn Lượng cho biết: Từ ngày làm du lịch, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân đã thay đổi rõ rệt, lần đầu tiên gia súc được đưa ra khỏi gầm sàn. Ðường làng, ngõ xóm lúc nào cũng phong quang, sạch đẹp, xóm làng thêm phần đoàn kết, gắn bó. Ngay như con đường bê-tông dẫn về bản, ngoài sự hỗ trợ của dự án, còn có sự đồng lòng, đóng góp rất lớn từ phía nhân dân. Nhờ vậy, đến nay xã Phúc Sen đã đạt 15 trong số 19 tiêu chí về xây dựng NTM.

Nói về hiệu quả của những địa phương làm du lịch đồng quê, Phó Trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Bắc Cạn Nông Văn Chí cho rằng: Nơi nào du lịch phát triển, cơ sở hạ tầng tại địa phương ấy thay đổi nhanh chóng, lao động chuyển dịch từ nông nghiệp sang dịch vụ, đời sống và nhận thức của người dân được nâng cao. Ðồng thời, người dân có trách nhiệm hơn trong việc đóng góp xây dựng NTM trên quê hương mình.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhất là vấn đề tìm sinh kế vững chắc, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân. Thông qua du lịch làng quê, việc gắn kết các hoạt động sản xuất nông nghiệp với xây dựng hạ tầng nông thôn, phát triển văn hóa sẽ là cầu nối, là hướng đi mới để thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Tuy nhiên, để triển khai một cách hiệu quả loại hình du lịch này còn rất nhiều những "con dốc" phải vượt phía trước.

Theo nhandan.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 220


Hôm nayHôm nay : 24084

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 880353

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 64866297