|
Đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại huyện Thọ Xuân. |
Đồng chí Lê Công Minh, Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo XDNTM huyện, cho biết: Đến thời điểm này, tại huyện Thọ Xuân, các xã không được chọn làm điểm trong XDNTM cũng đang triển khai thực hiện các tiêu chí đề ra. Để làm được việc này, huyện xác định phải đặt công tác tuyên truyền lên vị trí “tiền phong” để người dân cùng đồng thuận vào cuộc với Nhà nước, luôn phải bảo đảm được tính công khai, minh bạch trên tinh thần dân chủ trong mọi hoạt động để người dân khẳng định và thể hiện quyền làm chủ của mình trong XDNTM”. Minh chứng rõ nhất ở Thọ Xuân trong thời gian qua là ở tất cả các xã, người dân ý thức được vấn đề XDNTM nên không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ Nhà nước, tự nguyện hiến đất vườn, đất nhà, các ki-ốt bán hàng để làm 124 km đường giao thông nông thôn, 14 km đường nội đồng đạt chuẩn NTM.
Đồng chí Lê Văn Chế, Chủ tịch UBND xã Xuân Giang, cho biết: Chọn Xuân Giang-xã khó khăn để làm điểm XDNTM của tỉnh là cách làm hơi đặc biệt với các địa phương của huyện Thọ Xuân, với mong muốn xây dựng thành công từ điểm xuất phát thấp, sau đó sẽ nhanh chóng nhân rộng ra các xã trong toàn huyện. Để đạt được 19 tiêu chí XDNTM, điều quan tâm của Xuân Giang trước hết là phát huy nội lực, gắn với thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở tạo sự đồng thuận với tinh thần chủ động, sáng tạo của chính quyền và nhân dân. Với tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, ngoài kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, xã chủ trương huy động sự đóng góp của nhân dân trong xã, lấy ý kiến nhân dân về cách thu, mức thu. Các thôn quản lý, giám sát và thu, còn xã hỗ trợ từ nguồn ngân sách và giám sát việc thu. Được bàn bạc thấu đáo, phong trào làm đường ở xã đã diễn ra rầm rộ, người dân tự nguyện hiến đất để mở rộng đường giao thông nông thôn, rồi cũng chính họ đóng góp tiền của, ngày công để làm đường, xây dựng kênh mương nội đồng, xây dựng hệ thống cống rãnh... với tổng nguồn vốn huy động năm 2012 là 28 tỷ 469 triệu đồng.
Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, huyện Thọ Xuân đã huy động được là 758,24 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn trung ương, tỉnh: 51,74 tỷ đồng, chiếm 6,82%; vốn ngân sách huyện 79,35 tỷ đồng, chiếm 10,46%; vốn ngân sách xã 89,1 tỷ đồng, chiếm 11,75%, vốn dân cư 519,6 tỷ đồng, chiếm 68,5% và nguồn khác 18,45 tỷ đồng, chiếm 2,5%. 100% các xã đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch, đề án XDNTM và đang triển khai, tổ chức thực hiện các nội dung tiêu chí trong đề án. 37/37 xã XDNTM đã thực hiện tăng thêm từ 2 đến 3 tiêu chí, riêng các xã điểm ở Thọ Xuân đã tăng thêm từ 3 đến 4 tiêu chí: xã Xuân Trường đạt 10 tiêu chí, xã Xuân Lam đạt 8 tiêu chí, xã Xuân Thành đạt 7 tiêu chí, xã Hạnh Phúc đạt 12 tiêu chí, xã Xuân Quang đạt 12 tiêu chí, xã Thọ Nguyên đạt 12 tiêu chí và xã Tây Hồ đạt 11 tiêu chí.
Để XDNTM một cách bền vững, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thọ Xuân xác định, trước hết phải có cơ sở vật chất kỹ thuật, phải có nền sản xuất lớn tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường và có tính ổn định bền vững. Vì vậy, tùy vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của từng địa phương, trên cơ sở phát huy nội lực từ con người, đất đai, tài nguyên, tranh thủ các nguồn ngoại lực, huyện đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp, dịch vụ và từng bước thực hiện mục tiêu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, tập trung thực hiện 4 chương trình công tác trọng tâm từ nay đến năm 2015: Chương trình XDNTM; chương trình phát triển doanh nghiệp, trang trại, HTX, phát triển ngành nghề, dịch vụ thương mại, du lịch; chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị, phát huy tốt yếu tố động lực của đô thị Lam Sơn - Sao Vàng - thị trấn Thọ Xuân và chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ CNH, HĐH. Chương trình XDNTM khi triển khai đã được nhân dân đồng tình hưởng ứng, thể hiện quyết tâm cao, phát huy nội lực thực hiện thành công các tiêu chí đề ra, XDNTM theo đúng lộ trình. Huyện cũng đã có 12 xã xây dựng đề án ứng dụng khoa học – công nghệ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân bằng các mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong thâm canh sản xuất lúa, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế trang trại tập trung với tổng diện tích gần 400 ha. Điển hình như mô hình trồng nấm ở xã Xuân Giang, mô hình trồng hoa ly cao cấp ở xã Bắc Lương, mô hình trồng cây ngô ngọt xuất khẩu ở xã Xuân Sơn... cho thu nhập cao gấp 3-4 lần so với trồng các loại cây màu khác; các trang trại chăn nuôi các con nuôi đặc sản như: lợn rừng, chim trĩ, nhím, ba ba... cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Dẫu vẫn còn nhiều khó khăn, gian khó, nhưng với cách làm linh hoạt, sáng tạo, cụ thể, phù hợp điều kiện thực tế, sự đồng thuận của nhân dân, phát huy nội lực thực hiện thành công các tiêu chí đề ra, huyện Thọ Xuân đang nỗ lực phấn đấu là một trong những huyện đi đầu trong XDNTM trên địa bàn tỉnh.