Điểm nhấn A Nông
Là một trong số ít địa phương miền núi của tỉnh thành công với mô hình thí điểm xây dựng chương trình mục tiêu NTM, xã A Nông (huyện Tây Giang) được xem là điểm nhấn, góp sức cho mục tiêu giảm nghèo ở miền núi. Alăng Bao - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã A Nông hồ hởi: “Cái thời người dân quanh năm nương rẫy, lạc hậu trong tập tục canh tác, nghèo đói triền miên đã qua rồi. Bây giờ, cuộc sống đang đổi thay từng ngày, dân làng cùng nhau quyết tâm xây dựng đời sống văn hóa”. Theo ông Bao, để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, chính quyền xã A Nông đã tập trung triển khai theo 3 hướng chính: phát triển trồng cây cao su, tập trung sản xuất lúa nước để nâng cao sản suất và khoanh vùng chăn nuôi, chú trọng đến cải tạo đàn vật nuôi.
Thôn Arớt (xã A Nông) thành công với các mô hình nông thôn mới tại địa phương. |
Cũng như nhiều địa phương miền núi khác, hơn 10 năm trước, A Nông nằm trong diện khó khăn của huyện Tây Giang với tỷ lệ hộ đói nghèo cao. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện đổi mới nông nghiệp, nhất là chương trình mục tiêu NTM được triển khai, cuộc sống của đồng bào đã có nhiều thay đổi, chuyển biến tích cực. Nhiều hộ dân bây giờ đã quen dần với việc tiếp cận máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, từng bước tư duy đầu tư thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và con vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế. Từ việc chăn nuôi kết hợp phát triển rừng, hộ Bh’ling Hiêr (ở thôn Arớt) đã hình thành nên trang trại chăn nuôi bò tập trung, mỗi năm thu nhập hàng chục triệu đồng. Đây được xem là mô hình nuôi bò tập trung đầu tiên được hình thành, mang lại hiệu quả kinh tế cao tại địa phương. Thành công của Bh’ling Hiêr đã mở hướng để địa phương tiếp tục hình thành 18 khu vực chăn nuôi bò tập trung hơn 200 con, giúp người dân phát triển kinh tế trang trại. Hay như hộ ông Jơđêl Nhê đã biến vùng đất cằn cỗi, hoang hóa trước nhà thành ao nuôi cá kết hợp nuôi ếch cung ứng cho nhu cầu của người dân địa phương. Lợi nhuận từ mô hình kinh tế này đã giúp gia đình ông Nhê thu nhập bình quân mỗi tháng hàng chục triệu đồng.
Mạng lưới giao thông được mở về các bản làng vùng cao, giúp người dân có cơ hội giao thương, phát triển kinh tế. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Từ các nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 30a, Chương trình 135 và NTM, địa phương đã triển khai nhiều đợt khai hoang đồng ruộng, nâng tổng diện tích lúa nước tại xã lên hơn 40 hecta; kiên kết với Nông trường Cao su Tây Giang trồng và chăm sóc hơn 252 hecta cây cao su cho 151 hộ dân trên địa bàn xã… Nhờ vậy, đã hình thành nên nhiều mô hình sản xuất, phát triển kinh tế hiệu quả, giúp thu nhập bình quân theo đầu người mỗi năm gần 17 triệu đồng. Qua 4 năm thực hiện xây dựng mô hình NTM, xã A Nông đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 49,38% (năm 2010) xuống còn dưới 5,55% (năm 2014). “Chúng tôi tự hào là địa phương đầu tiên của huyện hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân, phát triển và giữ vững ổn định chính trị xã hội tại vùng biên giới”- ông Alăng Bao tự hào.
Mục tiêu giảm nghèo
Không nằm ngoài mục tiêu giảm nghèo, các chính sách đầu tư, hỗ trợ cho chương trình NTM ở miền núi đã tạo nên nhiều dấu ấn riêng biệt. Trong đó, nổi bật là sự hình thành các mô hình kinh tế hiệu quả, xây dựng các công trình dân sinh trọng điểm, cũng như đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, giúp nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân các địa phương.
Hơn 3 năm trước, khi dự án Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được triển khai, không ít người dân xã Phước Chánh (huyện Phước Sơn) trở nên lo lắng. Bởi lâu nay, đồng bào bản địa vốn quen với đời sống sản xuất nông nghiệp lạc hậu, giao thông cách trở, dân trí thấp… sẽ là những “lực cản” lớn khi thực hiện. Tuy nhiên, theo ông Hồ Văn Đường - Chủ tịch UBND xã Phước Chánh, chính những yếu tố tưởng chừng khó khăn đó đã giúp cho địa phương có được diện mạo như ngày hôm nay. Chỉ sau 3 năm triển khai, Phước Chánh đã “thay da, đổi thịt”, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và đẩy lùi nhiều hủ tục lạc hậu. Nhiều hộ đồng bào Bh’noong ở Phước Chánh bây giờ đã biết làm giàu, xây dựng cuộc sống mới từ các mô hình phát triển kinh tế bền vững với thu nhập mỗi năm lên đến hàng chục triệu đồng. Điển hình là hộ ông Hồ Văn Dem (thôn 3, xã Phước Chánh) thành công với mô hình chăn nuôi trang trại kết hợp phát triển kinh tế vườn, giúp nâng cao thu nhập bền vững.
Địa bàn 9 huyện miền núi của tỉnh có 102 xã, thị trấn; trong đó, có 96 xã thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, đến nay có 96/96 xã được UBND các huyện phê duyệt đề án quy hoạch xây dựng NTM. Riêng các huyện Tây Giang, Phước Sơn và Nam Trà My có quy hoạch sản xuất nông nghiệp gắn với quy hoạch bố trí dân cư, huy động nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Từ các nguồn vốn lồng ghép, đến nay đã đầu tư hỗ trợ hơn 7 nghìn tỷ đồng cho địa bàn 9 huyện miền núi (trong đó, vốn hỗ trợ trực tiếp từ chương trình NTM gần 150 tỷ đồng). Từ nguồn vốn này đã thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi; hình thành các mô hình sản xuất hiệu quả, từng bước góp phần giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số;… Thu nhập bình quân mỗi năm trên đầu người đạt hơn 7,26 triệu đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm 3-5%. |
Được xem là cửa ngõ của huyện Đông Giang với TP.Đà Nẵng, xã Ba (huyện Đông Giang) có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội theo các tiêu chí NTM. Những năm qua, cùng với việc phát triển các mô hình sản xuất nông - lâm nghiệp, thúc đẩy phát triển dịch vụ, du lịch… xã Ba còn chú trọng phát triển các tiềm lực kinh tế, hình thành trung tâm thương mại của vùng, đáp ứng với nhu cầu của người dân bản địa. Đến nay, mạng lưới đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa mở rộng tại nhiều khu vực, người dân đang được hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ, đầu tư xây dựng NTM tại địa phương. Cùng với các địa phương miền núi khác trên địa bàn tỉnh, xã Lăng (huyện Tây Giang) cũng đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí NTM theo các hướng trọng tâm, trọng điểm; huy động các nguồn lực, lồng ghép vốn từ các chương trình, dự án trên địa bàn để đầu tư vào các công trình bức thiết, phục vụ sản xuất dân sinh; cũng như chú trọng giảm nghèo bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho rằng, phương châm xây dựng NTM ở huyện Tây Giang là “lấy thôn làm điểm, dân làm gốc, thôn NTM làm mục tiêu, tất cả vì Tây Giang phát triển”. Trong đó, tập trung xây dựng và bố trí dân cư tập trung gắn với phát triển sản xuất, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu bản địa. Nhờ vậy, Tây Giang được đánh giá là một trong số địa phương miền núi của tỉnh làm tốt và tạo được dấu ấn trong công cuộc xây dựng NTM, vì mục tiêu giảm nghèo bền vững tại miền núi.
Vùng cao đang vươn mình trỗi dậy bằng chính nội lực. Khi chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng lên, công trình dân sinh ngày một hiện đại… đã tạo nên diện mạo mới cho vùng cao. Tất cả là dấu ấn của NTM, của sự đồng thuận cho công cuộc đổi mới “hợp ý Đảng, lòng dân”.
Theo: vpubnd.quangnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn