Diễn đàn “Đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp” do Trung ương Đoàn tổ chức với sự tham dự của 150 nhà nông trẻ tiêu biểu trên toàn quốc được nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2015, thu hút sự quan tâm của đông đảo thanh niên. Tại diễn đàn, các đại biểu thanh niên nông thôn chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay, nhất là tư duy và cách làm sáng tạo trong việc xây dựng mô hình kinh tế ở địa phương.
Anh Nguyễn Văn Tú (Phú Thịnh, Kim Động, Hưng Yên) chia sẻ: “Địa phương nơi tôi sinh sống chuyên canh tác lúa và hoa màu, đời sống của bà con nông dân gặp nhiều khó khăn. Trăn trở suy nghĩ tìm hướng đổi mới cách làm, tôi nhận thấy nghề trồng nấm ngày càng phát triển và cho hiệu quả kinh tế cao, nguyên vật liệu thì tận dụng được từ phế thải nông nghiệp. Nghĩ là làm, năm đầu tiên triển khai trồng 1.100m2 nấm và mộc nhĩ, tôi bán được 570 triệu đồng, lợi nhuận thu được là 250 triệu đồng. Hiện nay, mô hình của tôi phát triển gấp 2,5 lần so với trước, lợi nhuận sau khi trừ chi phí là từ 300 đến 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên và 15 lao động thời vụ”.
|
Các bạn trẻ tham quan gian trưng bày sản phẩm của thanh niên nông thôn được nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2015. |
Cũng từ trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế mới, Lê Thị Tỉnh (Quỳnh Hoa, Quỳnh Phụ, Thái Bình) có ý tưởng trồng cây dược liệu trên mảnh đất quê hương. Chị tâm sự: “Năm 2013, tôi nghiên cứu mẫu đất, thuê ruộng của bà con và thành lập công ty với số vốn khởi nghiệp là 100 triệu đồng. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm nên vụ đầu tiên mất trắng. Cũng có phần thất vọng, nhưng tôi tự nhủ không được lùi bước. Tôi vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, tiếp tục đầu tư để trồng dược liệu. Trên diện tích 7ha, tôi tập trung trồng các cây dược liệu chủ đạo, như chùm ngây, đinh lăng, hoàn ngọc... Ngoài ra, tôi đầu tư xây dựng xưởng sản xuất và chế biến trà thảo dược với sản phẩm là trà đinh lăng Thái Hưng, trà chùm ngây Thái Hưng. Để có được thành công như hiện nay, tôi cho rằng phải có quyết tâm, tư duy và cách làm sáng tạo”.
Tư duy và cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế nông thôn cũng là kinh nghiệm được Nguyễn Như Ý (xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) đúc rút từ thực tiễn. Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, sắp xếp lại mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung, dồn điền đổi thửa, anh tập hợp các mảnh đất nhỏ lẻ, khó khăn trong canh tác để xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp. Với vốn kiến thức được học, anh sử dụng một phần diện tích đất để cấy lúa, một phần trồng gấc, chuối, táo. Sau một năm triển khai, mô hình của anh đem lại lợi nhuận 150 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 2 lao động thường xuyên với mức lương 4 triệu đồng/tháng và 5-7 lao động thời vụ.
Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Trung ương Đoàn cho biết: Trong số các mô hình của 150 thanh niên nông thôn được nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2015, có 96 mô hình đạt doanh thu hơn 500 triệu đồng/năm, đặc biệt có những mô hình đạt doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Bằng tư duy mới, cách làm sáng tạo, 150 thanh niên nông thôn được nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2015 đã vươn lên làm giàu cho gia đình, bản thân, tạo việc làm thường xuyên cho gần 1.400 lao động.
Bài và ảnh: BÙI KIM OANH
Theo qdnd.vn