Với khối tài sản sẵn có, ông Tư đang có dự định sẽ đầu tư xây dựng một trang trại nuôi heo lạnh rộng gần 7ha, với kinh phí lên đến gần 20 tỷ đồng.
Làm gì cũng kiếm được tiền
Quen biết ông Sơn Tư đã lâu, tôi bảo: “Anh giàu thế rồi, còn nuôi lợn làm chi nữa cho mệt”, ông nói ngay: “Mình là nông dân nên thấy cái gì sinh lợi thì làm. Vả lại, dưới tôi còn gia đình và cả trăm công nhân, nếu không nghĩ cách kiếm tiền thì làm sao nuôi nổi”. Rồi ông Tư bắt đầu kể về con đường lập nghiệp của mình ở mảnh đất miền Đông Nam Bộ này.
Ông vốn sinh ra và lớn lên ở vùng đất võ Tây Sơn, Bình Định, xuất thân từ một gia đình nông dân thuần, điều kiện lao động và sản xuất rất khó khăn. Năm 1978, ông dắt díu cả gia đình vào xã Xuân Hòa tìm nơi làm ăn mới. Lúc đó, ông Hồ Sơn Tư làm đủ mọi nghề, từ cày thuê, cuốc mướn đến cạo mủ cao su để tồn tại. Đất Xuân Hòa là vùng đất xám bạc màu, nguồn nước lại nhiễm phèn nặng, sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa vào thời tiết mùa mưa, nên trong vùng không mấy ai gắn bó và đầu tư vào nông nghiệp. “Khi đó, tôi có suy nghĩ chỉ có người thiếu chí thú làm ăn, chứ đất không xấu, chỉ có điều ở vùng đất này, chỉ cần cù chưa đủ, mà phải cần thêm kiến thức khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm mới làm ăn được”- ông Tư nói.
Với suy nghĩ đó, được sự hỗ trợ của nhiều người, ông đầu tư trồng 1ha xoài. Giống xoài mà ông trồng là loại đặc sản xoài cát Hòa Lộc. Khổ nỗi, hồi đó thị trường trái cây chưa phát triển, nên xoài ông làm ra dù ngon, dù nhiều nhưng cũng chỉ bán hòm hòm đủ ăn, chứ chưa thể “phất” hẳn lên được. Sang năm 1992, ông vay vốn ngân hàng mua thêm 2ha đất kết hợp chăn nuôi bò và đầu tư 1 cơ sở mộc nhỏ gia công bàn ghế với 5 công nhân và máy móc thô sơ. Trong quá trình sản xuất kinh doanh ông nắm bắt được tình hình đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương. Ông quyết định phát triển nhân rộng đàn bò, riêng lượng bò giống lai Sind có lúc lên đến hơn 100 con. Tận dụng chất thải chăn nuôi bò, ông sáng chế máy phát điện từ nguồn biogas để có nguồn điện sản xuất, tưới cây trồng trong trang trại.
Từ dạo thành lập công ty, việc làm ăn của ông cũng thuận lợi hơn và hiện doanh thu từ xưởng mộc hàng năm của ông đã đạt 9,9 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 80 lao động và 30 lao động thời vụ với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.
Không quên người nghèo
Hôm tôi đến nhà ông Hồ Sơn Tư cũng là lúc anh La Thái Dương – một nhân công quản lý trang trại cho ông Tư đang xin nghỉ làm để về trông coi khu vườn 6 sào đất ở Bình Thuận. Anh Dương cho biết, nhờ tấm lòng tốt của ông Tư mà vợ chồng anh mới có ngày hôm nay. Mảnh đất 6 sào này là tiền công anh dành dụm trong 7 năm trông coi trang trại cho ông Tư.
Bên cạnh kinh doanh để lo cơm áo cho cả trăm nhân công, ông Hồ Sơn Tư gần như đặt hết tâm huyết cho một công việc lớn hơn rất nhiều, đó là làm thiện nguyện vì lợi ích cộng đồng. Nói về ông Hồ Sơn Tư, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai - Lê Hữu Thiện sẻ chia: “Ông Tư không chỉ là doanh nhân giỏi làm ăn, mà còn giỏi làm việc nhân ái”.
Nhắc đến “ngân hàng bò” ông thành lập trước đây để tạo cơ hội cho người nghèo thoát nghèo, ông Tư trầm ngâm: “Mình đã từng nghèo xơ nghèo xác nên hiểu được tình cảnh khó khăn của bà con ở đây. Tôi làm “ngân hàng bò” cũng chỉ mong góp tay với xã hội giúp bà con cơ hội vươn lên”. Chiêu giúp đỡ người nghèo của ông cũng rất “độc”, ông không cho không con bò cho mọi người, mà lấy bò cái trong trang trại của mình giao bà con nghèo ở địa phương nuôi, có hộ nhận nuôi 6 - 7 con bò cái. Sau khi bò đẻ, bà con lấy bê, ông lấy bò cái về giao cho người khác. Cứ thế, suốt 10 năm, lần lượt 50 con bò cái xoay tua đến với người nghèo, giúp họ thoát nghèo, vươn lên khá giả như hộ ông Trang, ông Bảy, ông Thảo, bà Út, bà Sáu Tàu…
Chưa hết, ông Tư còn là người đi đầu trong việc đào tạo nghề cho bà con nông dân ở địa phương. Hàng năm, ông phối hợp với địa phương và Trung tâm Khuyến công tỉnh Đồng Nai mở các lớp đào tạo nghề mộc dân dụng và mỹ nghệ cho lao động ở xã Xuân Hòa, Xuân Hưng và Xuân Tâm (Xuân Lộc). Từ đó, ông giúp đỡ và chuyển giao kinh nghiệm sản xuất nghề mộc dân dụng và thủ công mỹ nghệ cho 135 hộ ở địa phương có nghề nghiệp làm ăn vươn lên thoát nghèo. Sau mỗi khóa học, ông cấp giấy chứng nhận cho những ai hoàn thành chương trình học nghề. Theo đánh giá của chính quyền xã Xuân Hòa, các học viên sau khi hoàn thành khóa học do ông Tư đào tạo đều có việc làm ổn định, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần thúc đẩy quá trình thực hiện an sinh xã hội của địa phương.
Năm 2008, khi Nhà nước có chủ trương xây dựng nông thôn mới, ông Tư cũng là người tích cực nhất. Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa - Trần Đình Lai cho biết, ông Tư đã đóng góp tổng trị giá gần 1 tỷ đồng, góp phần đưa xã Xuân Hòa để xây dựng nông thôn mới. Với ông Tư, ngay cả khi tham gia làm nông thôn mới thì tính lợi ích cộng đồng cũng được ông dành trọn tâm huyết. Việc ông Tư hiến 3.000m2 đất để xây dựng đường giao thông ở xã Xuân Hòa đã cho thấy điều này. Trước yêu cầu cần đất gia cố đường giao thông nông thôn của xã và nhận thấy thông qua việc này có thể giúp đỡ gia đình ông Phạm Xuân Kỳ có cơ hội sở hữu một miếng đất tốt hơn, ông Tư đã liên hệ với ông Kỳ để đổi đất. “3.000m2 đất của ông Kỳ là đất bạc màu, sỏi đá chỉ có thể trồng mì. Thấy vậy tôi cắt 1.500m2 đất trang trại của mình để đổi với ông. Trên mảnh đất này tôi đang trồng tràm được 4 tuổi. Giờ thì ông Kỳ có thể tăng gia sản xuất bất cứ cây trồng, vật nuôi gì và trước mắt là thu hoạch rừng tràm” - ông Tư cho biết.
Theo: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn