Ðể việc xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững đòi hỏi lãnh đạo các địa phương nhận thức sâu sắc quan điểm phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa. Văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu của phát triển. Văn hóa phải trở thành nền tảng tinh thần của nông thôn mới. Nếu chỉ chú ý xây dựng bộ mặt của nông thôn như nhà cửa, đường sá... mà coi nhẹ việc xây dựng con người, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân thì khó có một nông thôn mới với đầy đủ ý nghĩa của nó, thậm chí rơi vào tính hình thức.
Từ bao đời nay, làng, xã là đơn vị cơ sở của nông thôn Việt Nam, tồn tại bền vững trong quá trình lao động
sản xuất và chiến đấu chống ngoại xâm. Ở đó là nơi lưu giữ những truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc, như đoàn kết cộng đồng trong tình làng, nghĩa xóm, thuần phong mỹ tục... Các làng, xã còn lưu giữ rất nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của ông cha ta để lại. Có thể nói, làng, xã Việt Nam đã hội tụ và bảo tồn những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc. Cho nên khi xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn mới không thể tách khỏi nền tảng văn hóa lâu đời của làng, xã, khiến cho nông thôn mới có xây dựng hiện đại đến mấy vẫn giữ được cái hồn và cốt cách của nông thôn Việt Nam. Việc xây dựng làng, xã văn hóa hiện nay phải dựa vào truyền thống làng, xã xưa mới có sức lôi cuốn đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, mới thật sự đi vào lòng người. Nhiều nơi đã nghiên cứu các hương ước xưa để bổ sung những nội dung mới, nhiều làng nghề đã phát huy truyền thống gia đình, dòng họ nghệ nhân, tôn vinh những sản phẩm tinh hoa, gia truyền. Nhiều làng, xã còn huy động sức người, sức của, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa... Tất cả những việc làm đó đều nhằm mục đích phát huy giá trị văn hóa truyền thống của nông thôn Việt Nam trong cuộc sống hôm nay.
Trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng cho nông thôn mới cần có sự quan tâm xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở như nhà văn hóa, sân vui chơi cho trẻ em, bưu điện văn hóa xã... tạo điều kiện cho mọi người, mọi lứa tuổi có nơi sinh hoạt văn hóa. Không chỉ vì hoạt động kém hiệu quả của một số nhà văn hóa mà coi nhẹ việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Do thiếu quy hoạch từ ban đầu, cho đến nay nhiều khu dân cư không có chỗ cho thanh niên, thiếu niên vui chơi, giải trí, không có địa điểm để mọi người sinh hoạt văn hóa. Ðể hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở hoạt động có hiệu quả, mỗi địa phương khai thác thế mạnh từ vốn văn hóa nghệ thuật của địa phương mình.
Xây dựng con người mới là nội dung không thể thiếu khi xây dựng nông thôn mới. Trong công cuộc CNH, HÐH đất nước, người nông dân phải nắm bắt được khoa học kỹ thuật để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, đồng thời phải không ngừng học tập, tu dưỡng đạo đức lối sống, phấn đấu trở thành người có văn hóa thật sự, làm chủ ruộng đồng, làm chủ nông thôn. Họ chính là người phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc kết hợp với những giá trị văn hóa tiên tiến của thời đại. Nông thôn nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức khi ruộng đất bị thu hẹp do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Nhiều nông dân không có việc làm phải ra thành phố mưu sinh, du nhập các hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội. Về vùng nông thôn, một số hủ tục lạc hậu ở các làng quê có cơ trỗi dậy. Quá trình xây dựng con người ở nông thôn là quá trình lâu dài đầy khó khăn, đòi hỏi sự quan tâm thường xuyên, có cơ chế chính sách thích hợp. Việc xây dựng con người mới phải gắn kết chặt chẽ với các phong trào quần chúng như: Phong trào xây dựng làng, xã văn hóa, phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa...
Theo nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn