Trên cánh đồng ngoài của thôn Hoành Vinh rộng gần 380 ha đang vào vụ gặt rộ. Các tuyến đường giữa đồng nhộn nhịp cảnh người vác lúa từ ruộng lên bờ, người chất lúa từ bờ lên xe công nông chở về nhà.
Nông dân Hoành Vinh được mùa. |
Ông Võ Quang Hinh hất bao lúa lên thùng xe rồi dặn tài xế: "Chạy nhanh chút vì còn hơn 5 chuyến nữa đó”. Vui vẻ, ông Hinh cho hay, vụ này nhà ông làm gần 1 ha ở cùng bìa của đồng ngoài. Từ nhà ra đến ruộng gần 3,5 km. Nhưng nhờ các khâu từ làm đất, chăm bón, thu hoạch đều sử dụng phương tiện máy móc nên cũng không còn gặp khó klhăn như trước. Vụ này, ông Hinh sử dụng 2 giống chủ lực là VT-NA 6 và Thiên Ưu 8. Thời tiết cũng khá thuận lợi cùng với dày công chăm sóc nên cây lúa phát triển tốt. “Thiên Ưu 8 đạt khoảng 75 tạ/ha. Riêng NA 6 cũng được trên 78 tạ/ha. So với năm trước thì năng suất tăng đáng kể”.
Sát với ruộng nhà ông Hinh là của bà Niềm. Mấy người trong nhà bà đang đợi máy gặt xong diện tích của ông Hinh là gặt tiếp cho bà. Máy gặt vừa đến vòng tua dừng lại đổ hơn chục bao lúa xuống bờ ruộng rồi rồ máy chạy tiếp. Bà Niềm hô mọi người cùng phụ giúp vác lúa chất lên xe cho ông Hinh.
Xong việc, bà cùng ông Hinh tính toán, vụ ĐX này, mỗi sào lúa (500m2) có chi phí các khoản làm đất, giống má, phân bón, bảo về thực vật, gặt, vận chuyển… hơn 1 triệu đồng. Năng suất bình quân 3,8 tạ/sào. Hiện thương lái mua thóc tươi với giá khoảng 6 triệu đồng/tấn tại nhà. Tính ra, mỗi sào lúa có thu nhập trên 2,2 triệu đồng. Trừ chi phí còn lãi khoảng 1,2 triệu đồng/sào (tương đương 24 triệu đồng/ha). “Nhà nào có điều kiện giữ lại hạt thóc để đến gần cuối năm bán cũng có lãi nhiều hơn”- ông Hinh nói.
Đưa chúng tôi ra cánh đồng, ông Võ Doãn Dực trò chuyện, trong hơn 10 năm trở lại đây, Hoành Vinh tập trung xây dựng cánh đồng lớn. Từ nguồn vốn huy động, Hoàng Vinh đã đầu tư trên 10 tỷ đồng xây dựng hệ thống đê bao với tổng chiều dài gần 50 km. Thiết kế mặt đê rộng từ 4 - 6m rất thuận lợi cho máy móc và xe cơ giới vận hành.
Thu hoạch lúa vụ ĐX tại HTX An Ninh |
“Chúng tôi đầu tư theo kiểu 2 trong 1. Nghĩa là vừa là tuyến đê bao vừa cũng là hệ thống đường giao thông nội đồng. Mặt đê được rải đá dăm thuận tiện cho việc đi lại”- ông Dực cho hay. Nhờ hệ thống đê bao liên hoàn và các tuyến kênh mương nội đồng hoàn chỉnh, nên khi lũ tiểu mãn về sớm, cánh đồng gần 3.808 ha của Hoành Vinh vẫn trụ vững trong mưa lũ. “Hệ thống này đảm bảo đủ nước tưới và chống hạn rất có hiệu quả trong vụ hè thu”- ông Dực nói thêm..
Cũng hơn 10 năm qua, cánh đồng Hoành Vinh luôn được các doanh nghiệp giống chọn làm nơi thử nghiệm mô hình giống mới. Từ đó tạo được cho nông dân tư duy mới về thâm canh cây lúa. Vụ ĐX vừa qua, diện tích phần lớn của Hoành Vinh đều gieo cấy các loại giống chất lượng như VT-NA 6, Thiên Ưu 8, Bắc Hương 9, PC 6… Nhiều cánh đồng đạt năng suất đến 80 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay.
Theo bà con xã viên, 10 năm qua Hoành Vinh luôn luôn được mùa, chưa vụ nào thất bát. Ông Võ Quang Hinh cho hay, nông dân Hoành Vinh có lợi nhuận trên đồng ruộng cao hơn nơi khác nhờ các khâu dịch vụ của HTX đều có giá thấp hơn trong vùng. “Chẳng hạn như máy gặt nơi khác có giá 150 ngàn đồng/sào nhưng ở HTX chúng tôi chỉ có 120 ngàn đồng/sào”- ông Hinh chứng minh.
Ông Võ Doãn Chúc- Phó Giám đốc HTX Hoành Vinh cho hay, HTX có 15 máy cày, 10 máy gặt liên hợp, 27 xe tải các loại để vận chuyển lúa. Từ đó, chúng tôi điều tiết được hoạt động sản xuất kinh doanh trên tiêu chí hạ giá thành dịch vụ cho bà con. Nhờ vậy đời sống người dân ngày càng khấm khá lên”- ông Chức bộc bạch.
Vụ ĐX 2018-2019, Quảng Bình gieo cấy được 29.500 ha lúa, bằng 100,1% kế hoạch. Cơ cấu các giống sử dụng theo hướng năng suất, chất lượng cao, tăng diện tích sử dụng giống có thời gian sinh trưởng trung và ngắn ngày. Thời tiết thuận lợi, lúa sinh trưởng và phát triển tốt, rút ngắn thời gian sản xuất từ 15-20 ngày. Năng suất lúa bình quân toàn tỉnh đạt 60,7 tạ/ha. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn