Công trình kiến trúc đặc sắc
Vua Lê Đại Hành, húy là Hoàn, sinh ngày 15.7 năm Tân Sửu (941) tại trang Ke Xốp, Châu Ai, nay là làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện
Thọ Xuân (Thanh Hóa) trong một gia đình nông dân nghèo. Ông là vị vua có công lớn trong việc đánh đuổi giặc Tống và xây dựng, thống nhất đất nước. Nhà sử học Văn Tạo – nguyên Viện trưởng Viện Sử học viết: “Vào thế kỷ X, dân tộc ta vừa vùng lên sau đêm dài nô lệ, đang cần có những bàn tay, khối óc thông minh dũng cảm để bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng sự nghiệp lâu dài.
Chính lúc đó Lê Hoàn là người đã xuất hiện trên vũ đài lịch sử như một ngôi sao sáng”. Chỉ trong vòng 3 tháng, Lê Hoàn đã chỉ huy Thập đạo tướng quân đánh tan quân xâm lược nhà Tống, giữ yên bờ cõi, góp những viên gạch đầu tiên vào việc xây dựng nên kỷ nguyên Đại Việt huy hoàng. Lê Hoàn cũng chính là vị vua đã đẩy mạnh sự nghiệp thống nhất đất nước mà Đinh Tiên Hoàng đã để lại.
Sau khi vua băng hà, để ghi nhớ công ơn của Ngài, dân làng Trung Lập dựng một ngôi miếu nhỏ quay về hướng đông để thờ phụng. Đến
thời Vua Lý Thái Tổ cho làm lại miếu quay về hướng nam, tuy nhiên quy mô vẫn nhỏ. Đến thời Hồng Đức thứ 15 (1484), Vua Lê Thánh Tông cho xây dựng quy mô như hiện nay. Đền thờ Vua Lê Đại Hành là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc. Đền bao gồm 3 tòa liên kết với nhau thành chữ Công, tọa ở đầu nét giữ của chữ Vương. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, đền thờ vẫn giữ được nhiều nét nguyên trạng.
Việc quy hoạch và phê duyệt quy hoạch quần thể di tích này đã được lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa quan tâm. Năm 2004, Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa – ông Lê Thế Bắc đã ký duyệt quy hoạch. Theo đó, quy hoạch quần thể di tích đền thờ Vua Lê Đại Hành có diện tích 32ha. Sau khi quy hoạch được duyệt sẽ tiến tới cấp kinh phí trùng tu, tôn tạo và quảng bá, giới thiệu với nhân dân cả nước. Nhân dân xã Xuân Lập rất phấn khởi trông chờ di tích được đánh giá đúng giá trị. Tuy nhiên, từ đó đến nay, quy hoạch trên vẫn chỉ nằm trên giấy. “Những ngày đầu, có đoàn cán bộ của Viện Quy hoạch về đo đo vẽ vẽ rồi ra đi mất hút cho đến bây giờ” – ông Đỗ Viết Lang – nguyên cán bộ Huyện ủy Thọ Xuân – nói.
Mong Chủ tịch nước về dự lễ tế
Lễ hội từ nghìn đời nay được tổ chức vào các ngày 7,8,9 tháng 3 âm lịch. Theo đó, ngày mùng 7 là tế cáo kỵ, mùng 8 chính kỵ, đại tế, và mùng 9 mới quan trọng, đó là tế kỷ niệm chiến thắng mùa xuân. Theo học giả Lê Văn Siêu viết trong “Việt Nam minh sử”: “Tháng 3 năm Tân Tỵ (981), hơn 30 vạn giặc Tống do Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng hống hách tiến quân bộ vào cửa khẩu Chi Lăng, Lạng Sơn còn bọn Trần Khâm Tộ thì tiến quân vào Tây Kết, cùng lúc bọn Lưu Trừng tiến thủy quân vào sông Bạch Đằng. Dưới sự chỉ huy của Lê Hoàn, quân Tống bị đánh cho tơi tả ở khắp các mặt trận”.
Trận thắng trên sông Bạch Đằng ngày 9 tháng 3 năm ấy đã đi vào sử sách. Do vậy, mới có lễ tế chiến thắng vào ngày mùng 9.
Theo ông Đỗ Viết Lang: “Đây là di tích lịch sử quốc gia nhưng theo nhận thức của nhân dân thì sự quan tâm của cấp trên chưa đúng mức. Thứ nhất trên quảng cáo ở Thanh Hóa thì tuyến du lịch từ Sầm Sơn lên Thái miếu Hậu Lê rồi qua thành nhà Hồ, về đền Bà Triệu.
Vậy tại sao từ khu di tích Lam Kinh về đền Bà Triệu lại không đưa di tích đền Vua Lê Đại Hành vào tuyến du lịch mang đậm tính tâm linh, về nguồn này? Đây cũng là một ông vua, mà lại là vị vua có công lớn với đất nước cơ mà?”.
Trong văn bia hiện đang còn giữ trong đền, dòng thứ 23 có câu: “Dân thờ phụng, quốc tế tự” nghĩa là nhân dân thờ phụng còn nhà nước làm lễ tế nhưng thực sự lâu nay chỉ có huyện đứng ra tổ chức, vào năm chăn thì tỉnh đứng ra tổ chức. Quy mô lễ hội chưa xứng tầm với một vị vua. Nó cũng không lớn hơn lễ hội về một vị thần thành hoàng làng là mấy.
“Nhân dân chúng tôi mong mỏi được đón Chủ tịch Nước về dự lễ tế vào mùa xuân năm tới, đó sẽ là vinh dự của nhân dân mà cũng là để lễ tế Vua Lê Đại Hành được đúng tầm của nó” – ông Đỗ Viết Lang nói.