Qua 4 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng xây dựng NTM, đến hết năm 2014, tỉnh có 40 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 35,7%).
Trước khi triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM (năm 2010), trong 112 xã của tỉnh Vĩnh Phúc mới chỉ có 14 xã đạt 10-14 tiêu chí, 80 xã đạt 5-9 tiêu chí và 18 xã đạt dưới 5 tiêu chí; bình quân đạt 6,66 tiêu chí/xã.
Qua 4 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng xây dựng NTM, đến hết năm 2014, tỉnh có 40 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 35,7%). Bình quân đạt 14,16 tiêu chí/xã. So với trước khi thực hiện Chương trình (năm 2010) tăng 7,5 tiêu chí/xã.
Huy động gần 13.500 tỷ đồng
Tổng nguồn vốn huy động, lồng ghép thực hiện Chương trình xây dựng NTM trong 4 năm qua tại Vĩnh Phúc là hơn 13.499 tỷ đồng.
Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước đầu tư trên 4.937 tỷ đồng, chiếm 36,6%, vốn tín dụng trên 6.979 tỷ đồng, chiếm 51,7%; vốn DN và vốn khác hơn 135 tỷ đồng, chiếm 1,0%; vốn góp của cộng đồng dân cư trên 1.447 tỷ đồng, chiếm 10,7%.
+ Về công tác quy hoạch và lập đề án xây dựng NTM: Đến hết tháng 12/2011, tất cả các xã hoàn thành công tác quy hoạch và lập đề án xây dựng NTM. Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về công tác này.
+ Về xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn: Mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng các địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo được phong trào sâu rộng trong việc huy động, lồng ghép nguồn lực xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn.
Đường giao thông liên xã, liên thôn, xóm ngõ, giao thông nội đồng được cứng hóa hoặc tu sửa nâng cấp. Đã cứng hóa 100% đường liên xã, 86,8% đường trục xã, 81,1% đường trục thôn và 34,9% đường giao thông nội đồng.
Hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng được yêu cầu SX và dân sinh. Các công trình đầu mối, trạm bơm, hồ đập vùng khó khăn về nguồn nước đã từng bước được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây dựng.
Hệ thống điện lưới, viễn thông đáp ứng được yêu cầu phục vụ SX và nhu cầu đời sống nhân dân. Các xã đều có điểm phục vụ bưu chính, viễn thông, hạ tầng kỹ thuật viễn thông đạt tiêu chí quốc gia.
Sóng viễn thông được phủ hơn 98% diện tích toàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu sử dụng truy cập mạng Internet của cộng đồng dân cư nông thôn.
Mạng lưới chợ nông thôn được nâng cấp, xây mới góp phần phục vụ nhu cầu trao đổi, lưu thông hàng hóa, mở rộng thị trường và phục vụ đời sống nhân dân; 33% xã đạt chuẩn.
+ Sự nghiệp văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ: Giáo dục đào tạo được quan tâm đặc biệt; toàn tỉnh đã phổ cập trung học cơ sở từ năm 2002; hiện nay vẫn duy trì đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở ở 100% số xã trong tỉnh; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học trung học phổ thông, bổ túc, học nghề đạt 94%.
Cơ sở vật chất và các điều kiện dạy và học được tăng cường theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa.
+ Về phát triển kinh tế và tổ chức SX: Các chính sách hỗ trợ phát triển SX của Trung ương, tỉnh được tích cực triển khai, thực hiện qua các đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể; các mô hình phát triển SX có hiệu quả được chú ý nhân rộng. Nông dân đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào SX.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn bước đầu có hiệu quả. Qua đó đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đúng hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, nâng cao chất lượng - hiệu quả SX, nhất là các sản phẩm thế mạnh của tỉnh (lúa, rau thực phẩm, chăn nuôi gia cầm, lợn, bò sữa…).
Thu nhập của người dân nông thôn được nâng cao (bình quân từ 17,28 triệu năm 2011 lên 27,5 triệu đồng/người năm 2014). Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện; bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt.
+ Về văn hóa, xã hội và môi trường: Sự nghiệp văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ. Giáo dục đào tạo được quan tâm đặc biệt; toàn tỉnh đã phổ cập trung học cơ sở từ năm 2002, đến nay vẫn duy trì đạt chuẩn ở 100% số xã; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học THPT, bổ túc, học nghề đạt 94%.
Cơ sở vật chất và các điều kiện dạy và học được tăng cường theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa; 60% xã đã đạt chuẩn.
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng xã văn hóa được triển khai tích cực; 71,4% xã đạt chuẩn.
Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cán bộ và nhân dân được quan tâm, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 65,2%; 39,3% xã đạt chuẩn. Công tác bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường đã có chuyển biến tích cực; tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh tăng lên trên 97%; 34,8% xã đã đạt chuẩn.
+ Về xây dựng hệ thống chính trị, an ninh trật tự xã hội khu vực nông thôn: Đến hết năm 2014 có 105/112 xã đạt chuẩn tiêu chí Hệ thống tổ chức chính trị xã hội, 102/112 xã đạt tiêu chí An ninh, trật tự xã hội.
Công tác tuyên truyền sâu rộng, đa dạng
Đạt được những kết quả trên là do lãnh đạo các cấp và nhân dân toàn tỉnh đã làm được các công việc sau:
Chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, hiệu quả, đảm bảo tiến độ thực hiện từng chỉ tiêu, dự án, công trình. Phân cấp, phân quyền, phân trách nhiệm rõ ràng, minh bạch từ tỉnh đến cơ sở.
Trên cơ sở thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 03-NQ/TU về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006-2010, định hướng đến 2020, khi triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, tỉnh đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung, tiếp tục xây dựng, hoàn chỉnh cơ chế chính sách hỗ trợ thực hiện từng tiêu chí.
Thực hiện công tác tuyên truyền sâu rộng, đa dạng, nhiều hình thức, huy động mọi phương tiện có thể để tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu, ủng hộ và thực hiện xây dựng NTM.
Thực hiện có hiệu quả công tác tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp.
Huy động nội lực trong nông thôn theo nhiều hình thức: Dân góp trực tiếp bằng công sức, tiền của xây dựng các công trình chung; đóng góp gián tiếp bằng đầu tư vào SX kinh doanh (nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ...) để tăng thu nhập, cải tạo, nâng cấp nhà ở, công trình vệ sinh, cải tạo vườn, ao, tường rào, cổng ngõ.... để có cảnh quan môi trường sạch đẹp, nâng cao mức sống cả vật chất và tinh thần...
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, biểu dương khen thưởng kịp thời những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc, phê bình, uốn nắn những tổ chức, cá nhân làm chưa tốt nhằm khích lệ các cơ quan, đơn vị và toàn thể nhân dân tích cực thực hiện Chương trình; hằng năm tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện cho những năm tiếp theo đạt hiệu quả cao hơn.
5 nhiệm vụ, giải pháp
Ban Chỉ đạo tỉnh đã xác định, phấn đấu hết năm 2015 toàn tỉnh có ít nhất 20 xã đạt chuẩn để tổng số có trên 50% xã đạt chuẩn NTM; có 1-2 huyện đạt chuẩn NTM để đến năm 2017 tỉnh đạt chuẩn NTM.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, tỉnh đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp sau:
Một là, tăng cường công tác lãnh đạo,chỉ đạo và quản lý: Kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của BCĐ, UBND các cấp; xây dựng, thực hiện tốt kế hoạch công tác hằng tháng; tăng cường kiểm tra, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc cho cơ sở.
Hai là, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền: Áp dụng đa dạng các hình thức tuyên truyền để tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu biết sâu, rộng, hăng hái tham gia xây dựng NTM.
Ba là, thực hiện có hiệu quả công tác bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp, nhất là xã, thôn.
Bốn là, đẩy mạnh phát triển SX, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn: Chỉ đạo thực hiện tốt các nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế đầu tư, hỗ trợ phát triển SX nông, lâm nghiệp, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn. Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Năm là, tập trung huy động mọi nguồn lực cho xây dựng NTM: Chuẩn bị đầy đủ ngân sách hỗ trợ theo kế hoạch, phân bổ kịp thời cho các xã; vận động các cấp, các ngành, toàn dân, bằng nhiều hình thức, cách làm đóng góp cho xây dựng đạt chuẩn NTM.
Theo: nongnghiep.vn