Cách đây khoảng 10 năm, xã Tứ Dân (Khoái Châu, Hưng Yên) là một vùng đất bãi xơ xác, cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn. Nhưng đến nay, nhờ đưa nhiều loại cây trồng thích hợp vào SX, đời sống của người dân được nâng lên. Trong đó, nhiều hộ vươn lên làm giàu, mỗi năm thu lãi từ SXNN vài trăm triệu đồng.
Tứ Dân nằm ở phía Tây của huyện Khoái Châu, bị chia cắt bởi đê tả ngạn của con sông Hồng. Diện tích tự nhiên toàn xã là trên 500 ha, trong đó gần một nửa là đất bãi bồi ven sông. Ông Trần Đình Long, cán bộ giao thông thủy lợi xã Tứ Dân bảo rằng, 10 năm trước, nơi này còn nghèo khó lắm. Cuộc sống của người dân vô cùng bấp bênh. Một năm, hai vụ lúa, một vụ màu nhưng cũng chỉ đủ ăn vì năng suất khá thấp.
Và cho đến nay, cuộc sống của người dân nơi đây gần như vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào SXNN khi mà tỉ trọng ngành nông nghiệp toàn xã chiếm gần 50%. Tuy nhiên, giá trị từ SXNN lại tăng gấp chục, vài chục lần so với trước. Tất cả đều nhờ vào việc trồng cây chuối tiêu hồng.
Hỏi về nguồn gốc cây chuối tiêu hồng ở Tứ Dân, không ai nhớ người nào đem giống cây về đất này đầu tiên. Ai cũng chỉ mang máng, do một người đem từ Hà Nam về trồng. Cây đẻ ra cây, từ đó, cây chuối tiêu hồng lan rộng ra toàn xã. Thậm chí là nhiều xã ven sông Hồng, trải dài từ Hà Nội đến tận Thái Bình, Nam Định. Năm 2013, tổng diện tích gieo trồng toàn xã đạt trên 1.200 mẫu.
Theo thống kê của UBND xã Tứ Dân, riêng về lĩnh vực trồng trọt, tổng thu nhập đạt gần 60 tỉ đồng. Đây là một nỗ lực lớn lao của người dân, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày một đẹp giàu.
Năm Mẫu là thôn có diện tích trồng chuối tiêu hồng lớn nhất xã Tứ Dân. Gần như 100% hộ dân trong thôn đều tham gia trồng loại cây này. Trung bình, mỗi vụ, 1 sào chuối tiêu đem lại lợi nhuận trên dưới 10 triệu đồng.
Chúng tôi đến thăm bãi chuối của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Khéo (46 tuổi), một trong những hộ đầu tiên tham gia trồng chuối tiêu hồng. Ông Khéo cho biết, hiện nhà ông đang trồng khoảng 5 mẫu chuối tiêu hồng.
Bên cạnh trồng trọt, ngành chăn nuôi, thủy sản của xã Tứ Dân cũng tăng trưởng khá. Tổng đàn lợn toàn xã là 4.500 con, gia cầm 7.500 con, hơn 40 ha ao hồ các loại… Giá trị chăn nuôi năm 2013 toàn xã đạt 33,5 tỉ đồng. Ông Đỗ Đình Quý, Chủ tịch UBND xã Tứ Dân, cho biết, năm 2014, xã tiếp tục khuyến khích người dân phát triển mạnh hơn nữa các mô hình kinh tế trang trại, áp dụng các TBKT vào SX, phấn đấu nâng cao giá trị 4,5 - 5%/năm. |
“Trồng giống cây này không khó nhưng lại rất tốn phân gio. Nếu không biết cải tạo đất tốt, chỉ được vài vụ, đất bị chai là vứt đi ngay”, ông Khéo chia sẻ.
Chuối tiêu hồng không bán theo từng đợt mà bán rải rác trong năm. Buồng nào đủ độ thì cắt xuống, bán cho thương lái. Trung bình, mỗi buồng ông Khéo bán được 100 nghìn đồng. Theo ông Khéo, đó là giá ngày thường, dịp Tết có khi 3 - 500 nghìn/ buồng cũng không có hàng mà bán.
Nhà ông Khéo có 4 người, cả ngày quần quật, mồ hôi đã quyện trên từng khoảnh đất bãi. Vào đợt thu hoạch rộ, ông Khéo phải thuê thêm 3 - 5 người nữa mới đủ nhân lực, trả công mỗi ngày 100 nghìn. Trừ mọi chi phí, mỗi năm nhà ông Khéo cũng bỏ túi được vài trăm triệu đồng.
Bà Lê Thị Mẽ (67 tuổi) ở thôn Năm Mẫu hồ hởi cho biết, nhờ có chuối, nhãn, khoai sọ mà ông bà nuôi 4 người con học hành tới nơi, tới chốn. Trong đó, một người con gái đang là bác sĩ, công tác tại TP. Hồ Chí Minh, một cậu con trai đang học năm cuối ĐH Y Hải Phòng.
“Nhà có hai người, cả ngày ngoài bãi, chỉ mong con cái được ăn học đầy đủ, thấy chúng nó nên người là chúng tôi vui rồi”, bà Mẽ tâm sự.
Trên diện tích 1 mẫu, nhà bà Mẽ kết hợp trồng cả chuối tiêu hồng, nhãn lồng, khoai sọ… Khoai sọ thì vài tháng thu được, chuối một năm cho buồng, nhãn thì 3 - 4 năm. Cứ thế, trên cùng một mảnh đất, nhiều loại cây được trồng xen canh. Mỗi năm, gia đình bà Mẽ thu về 100 - 200 triệu đồng từ 1 mẫu đất bãi. Người trồng ít như bà Đỗ Thị Thanh (88 tuổi), một sào một năm cũng thu được dăm triệu đồng.
“Già rồi, tôi trồng một ít, hằng ngày vận động tay chân như tập thể dục thôi. Mấy đứa cháu tôi trồng mới nhiều, có đứa cả dăm mẫu ấy chứ”, bà Thanh rủ rỉ.
Áp dụng biện pháp xen canh vào SX, nhiều hộ dân ở các thôn Mạn Xuyên, Ngưu Tất đã mở ra một hướng đi mới ngành nông nghiệp xã Tứ Dân. Tại Mạn Xuyên, hiện có khoảng 50 mẫu cây dược liệu được trồng xen canh với diện tích chuối tiêu hồng. Trong đó, chủ yếu là bạc hà, bạch chỉ, đinh hương, hương nhu… Những loại cây này sinh trưởng, phát triển rất tốt trên vùng đất cát của xã Tứ Dân.
Ông Đỗ Đức Tuyển, Trưởng thôn Mạn Xuyên, cho hay, đầu ra cũng như giá cả của cây dược liệu khá ổn định. Thương lái, các Cty từ miền Nam đánh xe ô tô ra tận tơi để nhập hàng cho người dân.
Nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn