Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ ngành, địa phương khởi công xây mới trạm y tế các xã khó khăn các tỉnh miền núi phía Bắc. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện cả nước có khoảng 2/3 số lượt khám, chữa bệnh là ở tuyến huyện và tuyến xã. Riêng đối với các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn-là những nơi có tỷ lệ người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì tỷ lệ này còn cao hơn nhiều.
Tuy nhiên, hệ thống các trạm y tế xã trong cả nước nói chung, vùng Tây Bắc nói riêng đã và đang rất xuống cấp. Nhiều nơi mới tổ chức trạm y tế xã, chưa có cơ sở, phải ở nhờ, ở tạm. Cả nước còn khoảng 200 trạm y tế chưa có nhà, cửa cần phải xây dựng mới; khoảng 3.600 trạm y tế xã là nhà tạm, cần phải xây dựng mới, khoảng 3.000 trạm cần phải đầu tư nâng cấp.
Bộ Y tế cũng sẽ ban hành Tiêu chí quốc gia mới về y tế xã, trong đó có phân ra 3 nhóm trạm y tế và tập trung đầu tư cho nhóm 1 – là những trạm y tế tại vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, nơi cách xa bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh để đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận được với dịch vụ y tế.
Bộ Y tế đã và đang thực hiện Chương trình hỗ trợ ngân sách ngành Y tế do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ không hoàn lại, tổng giá trị tài trợ giai đoạn 1 (từ 2012-2014) là 39 triệu EUR; đang chuẩn bị ký hiệp định tài trợ giai đoạn 2 (từ 2015-2017) là 100 triệu EUR.
Vừa qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Bắc tổ chức hội nghị tăng cường chất lượng dịch vụ y tế đối với các tỉnh miền núi phía Bắc.
Để thực hiện các giải pháp của Hội nghị đề ra, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ ưu tiên sử dụng nguồn viện trợ không hoàn lại của EU để cấp cho các tỉnh miền núi phía Bắc thực hiện các chỉ số mục tiêu thiên niên kỷ về y tế; trong đó có đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính dành trên 310 tỷ đồng để đầu tư xây dựng mới 89 trạm y tế xã tại các xã đặc biệt khó khăn, trong đó có 70 trạm y tế xã của 14 tỉnh miền núi phía Bắc, trước mắt mỗi tỉnh 5 trạm y tế.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà các gia đình khó khăn xã Cao Kỳ. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Phát biểu tại Lễ khởi công, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực và sáng kiến của Bộ Y tế trong việc huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng các trạm y tế vùng khó khăn.
Việc sử dụng nguồn viện trợ không hoàn lại của EU để xây dựng 89 trạm y tế xã có ý nghĩa thiết thực đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Việc khởi công xây dựng trạm y tế xã Cao Kỳ là biểu hiện cụ thể của những nỗ lực của ngành y tế nhằm tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở bằng nhiều nguồn lực khác nhau.
Để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai chủ trương chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ngay tại địa bàn cư trú, thực hiện tốt chính sách khám chữa bệnh cho các đối tượng chính sách, tăng cường đào tạo và bổ sung nhân lực y tế cho vùng khó khăn theo hình thức luôn phiên và đưa cán bộ trẻ về công tác.
Ngoài đầu tư từ nguồn ngân sách, Bộ Y tế cần tạo điều kiện ưu tiên huy động và sử dụng hiệu quả từ nguồn đầu tư xã hội hóa và nước ngoài cho y tế cơ sở. Coi đây là định hướng quan trọng trong đầu tư của ngành y tế. Tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương đối với việc đầu tư cho y tế cơ sở.
Đối với việc xây dựng các trạm y tế, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp cùng các địa phương chỉ đạo, giám sát chặt chẽ nhà thầu, tư vấn, giám sát các dự án xây dựng trạm y tế thực hiện nghiêm các quy định về đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý dự án phải bảo đảm chất lượng, kiên quyết không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, rút ruột công trình làm ảnh hưởng đến niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với chính sách tốt đẹp của Đảng và Nhà nước. Các địa phương có trách nhiệm quản lý, sử dụng hiệu quả công trình, trang thiết bị các trạm y tế này.
Lê Sơn
Theo chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn