Nhiều tiêu chí không phù hợp
Tính đến tháng 7.2014 đã có 8/19 tiêu chí theo quy định xây dựng NTM tại xã đảo Tân Hiệp được hoàn thành gồm giao thông, thu nhập, hộ nghèo, y tế, văn hóa, môi trường, hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh, an ninh trật tự xã hội; các tiêu chí còn lại chỉ đạt từ 20 - 50%. Theo ông Nguyễn Văn An - Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Quản lý xây dựng NTM xã đảo Tân Hiệp, vướng mắc chủ yếu do các điều kiện đặc thù của một xã đảo nên nhiều tiêu chí khó có thể đạt được, thậm chí không phù hợp cần bãi bỏ. Đơn cử, tiêu chí số 3 về thủy lợi không khả thi vì nông nghiệp trên đảo chủ yếu dựa vào nguồn nước tự nhiên và hệ thống nước tích trữ từ hồ Bãi Bìm dẫn về nên khó có thể xây dựng hệ thống thủy lợi, chưa nói trong số 4,49ha đất nông nghiệp chỉ có 2ha trồng lúa nhưng rất ít được quan tâm đầu tư, không ít diện tích đã bị bỏ hoang vì thu nhập thấp... Ngoài ra, một số tiêu chí khác như bưu điện (tiêu chí số 8); hình thức tổ chức sản xuất (tiêu chí số 13), điện (tiêu chí số 4) hoặc các thiết chế văn hóa, trường học… cũng khó thực hiện được khi áp dụng vào Cù Lao Chàm. “Xã đã đề nghị các cấp ngành thành phố và tỉnh không áp dụng các tiêu chí về thủy lợi, bưu điện, tiêu chí chợ nông thôn với Tân Hiệp do diện tích không đảm bảo so với điều kiện tiêu chí đặt ra” - ông An cho biết.
Âu thuyền Cù Lao Chàm được nâng cấp từ nguồn vốn chương trình biển Đông hải đảo. Ảnh: V.LỘC |
Một vướng mắc khác trong việc xây dựng NTM ở Cù Lao Chàm là nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nơi đây thường cao gấp 3 - 5 lần so với đất liền nên việc phân bổ và huy động nguồn vốn theo quy định của Nhà nước thường khó sát yêu cầu thực tế. Theo mức kinh phí được phê duyệt tại đề án xây dựng NTM ở Tân Hiệp giai đoạn 2015 - 2020 là 65 tỷ đồng nhưng tính đến cuối tháng 7.2014 nguồn vốn huy động hỗ trợ từ ngân sách nhà nước mới khoảng 425 triệu đồng. “Nhà nước cần có cơ chế chính sách đặc thù về đầu tư phát triển đối với xã đảo để đẩy mạnh đầu tư các công trình dân sinh như đường liên thôn, hệ thống nước sạch, các công trình hạ tầng du lịch… để địa phương triển khai đúng tiến độ và đạt kết quả” - ông An kiến nghị.
Đến nay, kinh phí đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế của Cù Lao Chàm chủ yếu dựa vào 3 nguồn chính là từ Chương trình biển Đông hải đảo, ngân sách thành phố và nguồn thu tại chỗ của địa phương (du lịch, bến bãi, cho thuê đất kinh doanh dịch vụ…). Vì vậy, nhiều hạng mục về cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, thể thao… không có nguồn kinh phí để triển khai thực hiện. Từ năm 2012 đến nay mới chỉ có vài hạng mục được cải tạo đầu tư như chợ Bãi Làng, xây mới hồ chứa nước Bãi Bìm và nâng cấp âu thuyền từ nguồn vốn của Chương trình biển Đông hải đảo.
Linh hoạt
Có thể thấy, với những điều kiện đặc thù xã đảo nên một số tiêu chí của bộ tiêu chí quốc gia NTM khi áp dụng vào Tân Hiệp rất khó phù hợp. Bên cạnh đó, do địa phương mới chỉ nằm trong diện quy hoạch, chưa phải là xã điểm NTM nên các nguồn lực đầu tư từ tỉnh và trung ương cũng chưa được phân bổ. Theo ông Trần Tấn Dũng – Bí thư Đảng ủy xã, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã đảo Tân Hiệp, việc đầu tư xây dựng NTM tại địa phương cần có sự linh hoạt, trong đó chú trọng đầu tư các công trình văn hóa, thể thao cũng như tập trung chuyển đổi ngành nghề cho người dân. Ngoài ra, để xây dựng điểm trường đạt chuẩn cần nhập 2 trường tiểu học (92 học sinh) và THCS (90 học sinh) trên đảo thành một nhằm tránh lãng phí và tập trung nguồn lực đầu tư.
Theo ông Võ Quảng Lâm - Tổ phó Tổ điều phối xây dựng NTM TP.Hội An, hiện thành phố đang đề xuất tỉnh xem xét các tiêu chí không hợp lý tại Tân Hiệp để có những linh hoạt thay đổi, riêng tiêu chí về thủy lợi và chợ nông thôn vẫn đề nghị chấm đạt. Bên cạnh đó, việc quy định diện tích đối với các thiết chế văn hóa và trường học cũng sẽ căn cứ vào tình hình thực tế, chủ yếu tăng cường đầu tư các trang thiết bị phòng chức năng nhằm xây dựng trường đạt chuẩn. “Thật ra, mục đích cuối cùng của xây dựng NTM là giảm nghèo, nâng cao cuộc sống người dân, mà điều này thì xã Tân Hiệp đã đạt, còn lại các tiêu chí khác nếu có vướng thì cũng sẽ linh hoạt, tùy điều kiện từng nơi sẽ có những điều chỉnh cụ thể” - ông Lâm cho biết.
Hiện tại, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên đảo đã diễn ra theo hướng giảm dần nông nghiệp, phát triển ngư nghiệp - dịch vụ với 55% lực lượng lao động tập trung vào ngư nghiệp, khoảng 35% làm dịch vụ, 7% ngành nông nghiệp và 3% là tiểu thủ công nghiệp. Mức thu nhập bình quân của người dân cũng đã đạt 24 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,1% (15/708 hộ). “Đến giai đoạn 2015 - 2020, khi Tân Hiệp phát động xây dựng NTM, lúc đó điện lưới quốc gia cũng đã được kéo ra chắc chắn nhiều tiêu chí bây giờ còn vướng cũng sẽ đạt thôi” - ông Lâm nói.
VĨNH LỘC
Theo: baoquangnam.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn