Nuôi trồng thuỷ sản cần tập trung theo đúng đề án tái cơ cấu lĩnh vực thuỷ sản để phát triển bền vững. Ảnh: VGP/ Đỗ Hương
Tuy nhiên, theo ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT), tôm đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong năm 2013. Giá trị xuất khẩu của mặt hàng này trong năm nay có thể đạt mức 3 tỷ USD, vượt xa chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm là 2,5 tỷ USD.
Theo ông Đô, có được kết quả trên do Việt Nam đã quy hoạch được vùng nuôi, kiểm soát tốt về con giống, truy suất nguồn gốc con giống, thường xuyên rà soát vùng nuôi tôm. Bên cạnh đó, nước xuất khẩu tôm chính trong khu vực là Thái Lan bị dịch bệnh tràn lan, sụt giảm sản lượng. Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và bão lụt, trong khi đây là một thị trường có nhu cầu lớn về tôm. Vì vậy, mặc dù sản lượng tôm Việt Nam không tăng nhưng các yếu tố đó đã khiến giá tôm trên thị trường thế giới tăng 20-30%.
Tuy là điểm sáng trong xuất khẩu nông nghiệp năm 2013 nhưng một số mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cá ba sa, cá ngừ... lại có dấu hiệu giảm nhẹ. Điển hình như cá ba sa giảm khoảng 5% về giá trị và sản lượng. Nguyên nhân một phần là do sản lượng xuất khẩu vào thị trường EU sụt giảm trong một thời gian dài vì các rào cản thương mại. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cạnh tranh nhau về giá khiến giá cá ba sa xuất khẩu giảm.
Theo dự báo của Cục Nông lâm thủy sản và nghề muối, trong năm 2014, Thái Lan, Trung Quốc có thể phục hồi sản xuất tôm. Do vậy, giá tôm có thể giảm, Bộ NNPTNT sẽ tùy vào tình hình thực tế để có những giải pháp thúc đẩy xuất khẩu thủy sản.
Đánh giá tình hình năm 2014, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho rằng, năm 2014, tình hình thị trường, dịch bệnh, thiên tai vẫn tiếp tục tác động đến ngành Thủy sản, do đó cần tiếp tục được dự báo và có giải pháp hữu hiệu để đối phó. Bên cạnh đó, vẫn còn những khó khăn về rào cản thương mại.
Ngành Thủy sản cần tận dụng các chính sách của Nhà nước, đặc biệt là các chính sách về tái cơ cấu ngành Thủy sản. Đó là những tác động thuận chiều mà ngành Thủy sản có thể tranh thủ để vượt qua khó khăn và phát triển.
Đối với nuôi trồng thuỷ sản, toàn ngành sẽ tập trung làm tốt chỉ đạo mùa vụ nuôi tôm, cá tra. Đồng thời kiểm soát tốt chất lượng vật tư đầu vào, đặc biệt là con giống, sớm chủ động sản xuất được giống tôm nước lợ. Lĩnh vực hợp tác quốc tế cần nâng tầm các thỏa thuận lên hiệp định, đưa tàu cá của ngư dân và doanh nghiệp đi khai thác ở vùng biển các nước trong khu vực. Kiện toàn tổ chức thanh tra chuyên ngành, làm tốt công tác xử lý thanh tra trên biển, chuẩn bị nội dung cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủy sản, sớm hoàn thiện dự thảo nghị định cá tra trình Chính phủ phê duyệt.
Đỗ Hương
chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn