Các đại biểu dự buổi làm việc
Theo báo cáo của các sở, ngành, thời gian qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực trẻ em được tăng cường; huy động được nhiều nguồn lực để chăm sóc, hỗ trợ, giáo dục trẻ em; chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em được cải thiện; môi trường sống cho trẻ em từng bước được bảo đảm an toàn, lành mạnh, thân thiện; các quyền của trẻ em cơ bản được thực hiện.
Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo 100% trường học trên địa bàn xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa, triển khai có hiệu quả phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; tăng cường công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục thanh, thiếu niên, nhi đồng; phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh mời các chuyên gia tư vấn kỹ năng giáo dục trẻ em, trong đó chú trọng kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức được 05 lớp tập huấn cho cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin, cán bộ văn hóa các xã, phường, thị trấn; 06 lớp tập huấn cho thành viên các câu lạc bộ gia đình ở xã, phường; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh; xây dựng 15 câu lạc bộ điểm về gia đình; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ 03 xã (Đức Lĩnh - huyện Vũ Quang, Sơn Kim 1 - huyện Hương Sơn, Thạch Bằng - huyện Lộc Hà) mua sắm các trang thiết bị vui chơi, giải trí cho trẻ em. Sở Y tế đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở y tế chủ động sàng lọc, phát hiện, chăm sóc sức khỏe, điều trị, tư vấn cho các nạn nhân bạo lực gia đình, bạo lực trẻ em. Tỉnh đoàn tổ chức trên 15.200 buổi tuyên truyền, phát thanh phòng, chống xâm hại trẻ em tại các cơ sở Đoàn, Đội; tổ chức 12 lớp tập huấn, trại huấn luyện cấp tỉnh; 130 lớp tập huấn cấp huyện có nội dung phòng, chống xâm hại trẻ em; tổ chức 6.090 buổi tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ trẻ em, nòng cốt là thành viên ban chỉ huy đội, đội tuyên truyền măng non cấp cơ sở trong đó tập trung vào tuyên truyền, kỹ năng phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em có những khó khăn. Tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển toàn diện của trẻ em. Từ năm 2015 đến nay, tổng số trẻ em bị xâm hại trên địa bàn tỉnh là 32 em. Tình trạng ngược đãi, xâm hại, bạo lực trẻ em ít được cộng đồng chủ động tố giác, trình báo với các cơ quan chức năng; nhiều vụ việc để kéo dài, khi vụ việc ở mức nghiêm trọng mới được các phương tiện thông tin đại chúng phát giác trước công luận. Mặt khác, đa số các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em được thống kê chủ yếu dựa trên các tiêu chí về thể chất, chưa tính đến các vụ, việc bạo lực, xâm hại về tinh thần. Do đó, số vụ bạo lực, xâm hại trẻ em mới chỉ được phản ánh một phần so với thực tế.
Tại buổi giám sát, các đại biểu đã có nhiều ý kiến góp ý, như: Cần tăng cường công tác giám sát kiểm tra, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em cho các địa phương; sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và các văn bản hướng dẫn liên quan phù hợp với thực tiễn; tăng cường phối hợp liên ngành trong việc cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em; đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể xã hội trong thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; tăng mức hỗ trợ kinh phí trang thiết bị điểm vui chơi giải trí cho trẻ em…
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực của các sở, ngành trong thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng. Trong thời gian tới, các sở, ngành cần tiếp tục quan tâm đến công tác phòng, chống xâm hại trẻ em; xác định tình hình vi phạm pháp luật liên quan đến xâm hại trẻ em còn tiềm ẩn nhiều phức tạp và có xu hướng gia tăng về tính chất, mức độ, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận quần chúng Nhân dân. Các cấp, các ngành cần có sự phối hợp xử lý nghiêm, có tính răn đe đối với các hành vi xâm hại trẻ em.
Nguyễn Thị Nga (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
https://hatinh.dcs.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn