Khi doanh nghiệp là “chủ công”…
Không phải ngẫu nhiên mà Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh (Mitraco) được tỉnh “chọn mặt gửi vàng” cho dự án “Sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao trên vùng đất cát hoang hóa Thạch Văn”. Đây là một trong số ít DN tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp có tiềm lực đủ mạnh để đảm nhận vai trò “người mở đường” cho công nghệ sinh học trên dải đất cát ven biển hoang hóa. Hơn thế nữa, tuy là lần đầu tiên tham gia với vai trò chủ đầu tư cho một dự án sản xuất rau, củ, quả, nhưng Mitraco đã thực sự gắn kết và chiếm trọn được lòng tin của bà con nông dân tỉnh nhà từ nhiều năm nay trên lĩnh vực nông nghiệp.
Dự án “Sản xuất rau - củ - quả công nghệ cao trên đất cát hoang hóa Thạch Văn” thành công nhờ liên kết “4 nhà” |
Ông Dương Tất Thắng - Tổng Giám đốc Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh - CTCP cho biết: “Ở mô hình khảo nghiệm, chúng tôi tiến hành thực hiện trên diện tích hơn 12 ha thuộc xóm Tân Văn, Thạch Văn. Sau khi tìm hiểu, tham quan, học tập kinh nghiệm ở Dongshan (Trung Quốc), Tổng Công ty đã ký kết với Công ty TNHH Fineton (Hồng Kông) để cùng hợp tác sản xuất. Đối tác sẽ chịu trách nhiệm cung ứng giống, thiết bị lắp đặt hạ tầng và cử chuyên gia theo dõi, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng các loại cây, đồng thời chịu trách nhiệm kết nối thị trường cho sản phẩm. Cùng với đó, Tổng Công ty phối hợp với ngành chuyên môn theo dõi sự sinh trưởng cũng như thích ứng của các loại giống nhằm nhân rộng trong giai đoạn tiếp theo”.
Người ta bắt đầu quen dần với hình ảnh người công nhân trên công trường nông nghiệp. Họ san đất, trỉa hạt rồi chăm sóc cho từng loại cây, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia nước ngoài và kỹ sư nông nghiệp, chẳng mấy chốc thao tác trở nên thuần thục. Cứ thế, từng mầm xanh tách hạt nảy mầm lớn lên trên đất cát. Vào những giai đoạn sinh trưởng quan trọng của cây trồng hay đến kỳ thu hoạch, Mitraco còn thuê thêm nông dân địa phương vào dự án, vừa tăng nhân lực, vừa là cách để người dân địa phương tiếp cận khoa học mới.
Rõ ràng, so với sản xuất truyền thống, mối quan hệ liên kết DN - DN, DN với Nhà nước, nhà khoa học và nhà nông được phân vai khá rõ ràng từ khâu cung ứng, chuẩn bị nguồn cung, giống đến quy trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Sức mạnh liên kết không chỉ là yếu tố đảm bảo sự đồng nhất của sản phẩm mà còn thiết lập nên một nền sản xuất hàng hóa bền vững.
Nhà nước là “bà đỡ”…
Phải nói rằng, không phải dự án nông nghiệp nào cũng nhận được sự ưu ái của lãnh đạo tỉnh và sự ủng hộ của các ngành chuyên môn như dự án sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao trên đất cát hoang hóa Thạch Văn. Ngay từ ngày “khăn gói” lặn lội sang nước bạn để học cách trồng rau trên cát, DN không hề “đơn thương, độc mã”. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự dẫn đầu đoàn công tác, ngoài ra còn có sự góp mặt đại diện các ngành chuyên môn và chính quyền địa phương. Rồi, những vùng cát dài mênh mông nhanh chóng được san lấp, xới xáo để ươm hạt, gieo cây. Để mỗi ngày qua đi, khu dự án lại thay đổi thêm một ít mà nếu lâu lâu không ghé tới sẽ khiến người ta ngỡ ngàng. Chưa nói đến nguồn kinh phí mà Nhà nước hỗ trợ bước đầu cho DN thì sự đồng thuận và tạo sự nhất trí cao trong các cấp chính quyền đã là hậu thuẫn quan trọng làm nên thành công của dự án.
Công nhân Công ty TNHH MTV Quản lý công trình đô thị Hà Tĩnh trên nông trường rau - củ - quả. |
Ông Eric Lo - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Fineton cho biết: “Khi dự án cho những thành quả đầu tiên thì cũng là lúc chúng tôi có thể khẳng định công nghệ sinh học đã “bén” duyên Hà Tĩnh. Theo tôi, sự thành công đáng ghi nhận hơn đó là sự gắn bó của chính quyền, tôi chưa thấy ở nơi nào mà chính quyền lại hỗ trợ DN nhiều như ở Hà Tĩnh”.
Không ngờ dải đất cát pha lại có bước đột phá như bây giờ. Người dân vùng cát cũng vừa tỉnh dậy sau giấc ngủ dài và bắt đầu học theo DN làm rau trên cát. Chính sách giao đất được tỉnh ưu tiên nên tiến độ mở rộng dự án được đẩy nhanh nhất có thể. Không chỉ vậy, tỉnh còn hỗ trợ các mô hình 100% giống, phân bón, thuốc BVTV; 75 triệu đồng/ha kinh phí san lấp mặt bằng lần đầu; hỗ trợ 145 triệu đồng/ha kinh phí đầu tư hệ thống tưới. Ngoài ra, các huyện cũng chủ động phương án hỗ trợ chính sách cho các mô hình này. Chạy theo những triền cát kéo dài từ thị trấn Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) ra tận Thạch Trị (Thạch Hà) sẽ gặp những chiếc máy ủi rầm rù cải tạo vùng cát cho những nụ mầm mới dần phủ xanh dải đất khô cằn ven biển.
Nguyễn Oanh - Thành Chung
Nguồn: baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn