1 ha 300 triệu đồng
Vụ đông 2013, dự án “Xây dựng mô hình trồng rau, củ, quả công nghệ cao trên vùng đất cát hoang hóa, bạc màu ven biển Hà Tĩnh” triển khai trồng thử nghiệm 12 loại rau, củ trên diện tích 12 ha của vùng cát hoang hóa Thạch Văn.
Thảm xanh trên cát trắng |
Sau 3 tháng, lứa củ cải trắng và cải bẹ đầu tiên cho thu hoạch ngay sát Tết Giáp Ngọ đạt năng suất 30-35 tấn rau/ha. Đầu xuân này, lại thêm tin vui, khi lứa cải thảo thu hoạch cho năng suất 50 tấn/ha, nhiều bắp cải thảo nặng tới 2 kg… được bán với giá chào hàng (5-7 nghìn đồng/kg) cho thu nhập 300-400 triệu đồng/ha, tương đương 30-40 triệu đồng/sào, cao hơn rất nhiều so với các sản phẩm nông nghiệp khác như lạc (2 triệu đồng/sào), lúa (500 nghìn đồng/sào). Một kết quả chưa từng thấy trên vùng đất vốn không khả dụng về sản xuất nông nghiệp ở vùng ven biển Hà Tĩnh.
Điều phối viên dự án Nguyễn Hữu Ngọc cho biết: “Trong 12 loại rau, củ, quả được trồng khảo nghiệm hiện nay đã có 4 loại cho thu hoạch với năng suất tương đương hoặc cao hơn so với Đông Shan, các cây trồng còn lại đều phát triển tốt, cây khỏe, thân mập, rau lá xanh và dày”. Theo chân những điều phối viên, chúng tôi bị chinh phục bởi vườn cà chua mập mạp, quả ra đều và khá dày; những luống đậu tứ quý đang leo giàn trổ đầy hoa, cải bắp đang chuẩn bị cuốn, độ tháng 3 cho thu hoạch, hứa hẹn một mùa bội thu.
Anh Nguyễn Hữu Ngọc cho biết thêm: Từ thành công bước đầu, thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục thử nghiệm trên 30 loại giống để xác định các loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây, từ đó làm phong phú hơn các loại giống cho vùng rau này. Đồng thời sẽ mở rộng diện tích lên 40 ha rau, củ, quả trên dải đất hoang hóa ở các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Lộc Hà.
Đánh thức những khát vọng
Bao đời nay, vùng đất “tử địa” ven biển luôn là hình ảnh gắn với sự nghèo khó và an phận của người dân. Cát khô cằn và bỏng rát sẵn sàng nhấn chìm những mầm xanh. Nhưng giờ đây, những bãi cát ngủ yên lâu nay, giờ đã được đánh thức bằng những vùng rau, củ, quả chất lượng cao cho thu nhập vượt trội so với các loại nông sản khác. Và khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất cằn cỗi quê nhà của người nông dân vùng biển cũng đang sống dậy mãnh liệt hơn bao giờ.
Gieo mầm trên cát |
Ông Trần Hữu Duyệt - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Từ nhiều năm nay, huyện luôn trăn trở với bài toán chuyển đổi cơ cấu cho vùng ven biển. Sự thành công của dự án sản xuất rau, củ, quả trên vùng đất hoang hóa Thạch Văn đã mở ra hướng phát triển kinh tế cho địa phương, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, tạo điều kiện để bà con yên tâm làm giàu trên quê hương mình. Hiện nay, Cẩm Xuyên triển khai 8 ha và đang tiếp tục tập huấn, tổ chức tham quan học tập để mở rộng diện tích trong giai đoạn tiếp theo”.
Làng cát vốn lặng lẽ nhưng giờ đây đi đâu cũng nghe người ta râm ran bàn đến chuyện làm rau trên cát. Bà Nguyễn Thị Lợi (thôn Tân Văn, Thạch Văn) phấn khởi cho biết: “Quá nửa đời người sống ở vùng đất này, trong mơ tôi cũng không dám nghĩ vùng đất cằn cỗi ấy có thể trồng rau cho thu nhập 300 triệu đồng/ha” hay ông Trần Đình Việt - Tổ trưởng tổ hợp tác gồm 7 gia đình ở xóm Bắc Văn tiên phong trồng 3 ha rau theo công nghệ cao, chia sẻ: “Theo dõi dự án này từ những ngày đầu và đến nay, kết quả đã thấy rõ nên khi vừa đứng ra vận động đã có 6 gia đình trong xóm hưởng ứng nhận chuyển giao 3 ha trồng rau theo công nghệ mới”.
Vùng đất cát cằn cỗi bấy lâu nay sẽ được phủ màu xanh mướt của rau, củ, hay đó chính là màu xanh của sự sống đang hiển hiện trên vùng đất chết.
Nguyễn Oanh - Thành Chung
Nguồn: baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn