Rau mầm “Rau baby leaf” của HTXNN Thanh Hà là một trong những sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng hiện nay - Ảnh: Thiện Tâm |
Chị Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc HTXNN Thanh Hà cho biết, đứng trước thực trạng sản xuất nông nghiệp thâm canh truyền thống gặp nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu, sản phẩm nông sản tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, thiếu tính cạnh tranh, quá trình sản xuất gây ô nhiễm môi trường do sử dụng chất hóa học trong sản xuất…; thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thấp, bấp bênh dẫn đến nông dân không mặn mà với nông nghiệp và chuyển dịch sang ngành nghề khác cho thu nhập cao và ổn định hơn. Trên địa bàn xã Ninh Sở là xã có làng nghề truyền thống mây tre đan, nghề mộc phát triển nên nông dân ít đầu tư hơn cho sản xuất nông nghiệp.
Xuất phát từ thực trạng đó, thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội và của Huyện ủy Thường Tín về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân; hưởng ứng cuộc vận động “Nói không với thực phẩm bẩn”, góp phần thực hiện Chiến lược Quốc gia An toàn thực phẩm.
Thực hiện chương trình sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cho ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, có chất lượng và giá trị cao, đồng thời cũng thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện và phát huy lợi thế của một huyện ngoại thành.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, HTXNN Thanh Hà đã thuê lại đất của nông dân xã Ninh Sở để xây dựng khu sản xuất rau công nghệ cao với diện tích 1,15 ha. Trong đó, đã lắp đặt được gần 8.000 m2 nhà màng nông nghiệp cùng với hệ thống tưới phun tự động, xây dựng 2 kho lạnh, nhà kho bảo quản, nhà sơ chế rau củ... Với tổng mức đầu tư gần 5 tỷ đồng, HTX quyết định thực hiện mục tiêu chiến lược là phát triển sản xuất sản phẩm Rau an toàn chất lượng cao theo chuỗi kép kín từ khâu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap đến sơ chế bảo quản và tiêu thụ nông sản và hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Từ năm 2012, HTXNN Thanh Hà là đơn vị tiên phong đưa dòng sản phẩm Rau mầm vào thị trường. Bằng việc không ngừng nỗ lực nghiên cứu thị trường, thay đổi kỹ thuật khoa học công nghệ và tiến hành sản xuất những cây trồng cũ theo phương thức mới, lấy sản phẩm phụ thu của nông nghiệp truyền thống trở thành sản phẩm mục tiêu theo một quy trình sản xuất cải tiến nên đến cuối năm 2017, HTX đã ra mắt thị trường dòng sản phẩm mới “Rau baby leaf”.
Đến nay, trên thị trường Thủ đô, HTXNN Thanh Hà vẫn là đơn vị duy nhất sản xuất - cung cấp rau Baby, sản phẩm đang có sức hấp dẫn mạnh mẽ với nhiều đối tượng người tiêu dùng vì nó đáp ứng đúng nhu cầu và thị hiếu của họ không chỉ về chất lượng, hình ảnh mà cả về tính tiện ích và đa dụng của sản phẩm.
Đặc biệt, được đánh giá là mô hình sản xuất hiệu quả của huyện Thường Tín nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung, nhờ việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến và khoa học, cơ sở sản xuất rau quả Thanh Hà đã triển khai hệ thống tưới tiêu tự động với các vòi phun nước được đặt cố định; hệ thống cảm biến mưa giúp điều chỉnh lượng nước cần thiết cho rau. Điều này giúp hạn chế tối đa sức lao động, nhân công, tăng hiệu quả sản xuất.
Theo chị Hà, khâu làm đất là khâu quan trọng nhất cho việc sản xuất, giữa các vụ, đất phải được nghỉ để tránh các mầm bệnh còn ủ dưới lòng đất, không ảnh hưởng đến vụ sau. HTX không sử dụng phân hóa học, hoàn toàn dùng phân được ủ hoai mục để bón cho cây. Đối với sâu bệnh, nhất là bọ nhảy, thì đơn giản chỉ cần dựng hàng rào chắn cao, bọ nhảy sẽ không thể “làm hại” những luống rau được.
Với những biện pháp canh tác khoa học, nên năng suất luôn đảm bảo ở mức cao. Ước tính, thu hoạch rau mỗi năm của cơ sở đạt 55 tấn, sản lượng cung cấp ra thị trường là 150 kg rau/ngày.
Từ khi thành lập đến nay, đơn vị luôn chú ý xây dựng thương hiệu, giữ vững hình ảnh, khẳng định vị thế và uy tín Rau chất lượng cao trên thị trường,… Nhờ đó, sản phẩm rau của với “thương hiệu Rau an toàn Vinasafl” đã nhanh chóng chinh phục được lòng tin của người tiêu dùng. Hiện sản phẩm được bán ở hầu hết các siêu thị và các của hàng Thực phẩm an toàn trên địa bàn TP Hà Nội và nhiều tỉnh thành lân cận.
Năm 2016, Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam đã trao tặng danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam’’ cho đơn vị. Doanh thu hàng năm của đơn vị đạt trên 2 tỷ đồng/ ha/ năm và đang tạo việc làm cho 15 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Theo chị Bùi Thị Thanh Hà, có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm đầu tư hỗ trợ của các cấp, các ngành, đặc biệt của huyện Thường Tín không chỉ cho riêng HTX mà cho các HTX, nông dân trên địa bàn huyện thông qua hỗ trợ giống, vật tư sản xuất, vật tư làm đường.
Với những kết quả đạt được, theo chị Hà, thời gian tới, HTXNN Thanh Hà sẽ tiếp tục phấn đấu, chung tay xây dựng nông thôn, phát triển kinh tế nông nghiệp hiện đại để người dân đều được sử dụng thực phẩm an toàn và chất lượng. HTXNN Thanh Hà cũng mong muốn được Nhà nước, thành phố tiếp tục đồng hành và giúp đỡ trong những giai đoạn phát triển tiếp theo, để HTX Thanh Hà phát triển kinh tế nông nghiệp ngày càng vững mạnh, tiến xa hơn trong tiến trình nông nghiệp hội nhập và góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Theo Thiện Tâm/thanglong.chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn