|
Làng mộc Thái Yên cho ra mắt nhiều sản phẩm mới, đa dạng chủng loại, đáp ứng nhu cầu khách hàng. |
Mờ sáng, dòng người từ khắp nẻo đường hướng về thị trấn Đức Thọ mỗi lúc một đông. Tiếng gọi nhau í ới, xe cộ ra vào tấp nập khiến không gian yên bình của làng quê ven sông La nhộn nhịp hẳn lên. Hòa vào dòng người hối hả, chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất bún của anh Trần Minh Khôi – một trong những cơ sở sản xuất bún quy mô nhất ở đây.
Anh Khôi cho biết, ngày thường, gia đình chỉ bắt đầu làm bún từ 3h sáng, nhưng vào dịp giáp tết, do nhu cầu thị trường tăng nên cả nhà phải dậy từ 1h sáng để kịp giao hàng cho khách trước 5h. Anh nhẩm tính, bình quân mỗi ngày, gia đình sản xuất trên dưới 300 kg bún, nhưng vào dịp giáp tết, sản lượng bún tăng khoảng 50% nên cơ sở sản xuất của anh phải chạy hết công suất.
Theo anh Khôi, làm bún không khó, nhưng để tạo sản phẩm bún chất lượng thì không phải ai cũng làm được. Người làm nghề phải có kinh nghiệm chọn thời điểm vớt gạo, ủ men phù hợp nhằm tạo ra hương vị, màu sắc riêng của bún Đức Thọ. Không riêng gì gia đình anh Khôi, dịp này, hơn 40 hộ tham gia sản xuất bún bánh ở thị trấn Đức Thọ đang căng mình làm việc để kịp giao hàng cho thương lái.
Hối hả không kém, làng sản xuất hương Thạch Mỹ (Lộc Hà) cũng tăng tốc vào mùa. Về xóm 1, xã Thạch Mỹ những ngày này, không khí của mùa xuân dường như đã len lỏi trong mỗi ngôi nhà. Trên những con đường dẫn vào làng, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp sắc màu rực rỡ của hàng ngàn bó hương đang được người dân đưa ra đóng gói để xuất hàng. Theo anh Trần Đình Thanh, nghề làm hương được du nhập vào Thạch Mỹ từ những năm 60 của thế kỷ trước. Nghề này tuy không đem lại lợi ích kinh tế cao, nhưng cho thu nhập ổn định, lãi ròng bình quân 50-70 triệu đồng/hộ/năm.
Theo anh Thanh, nói là vào mùa sản xuất nhưng thực chất, những ngày này, người làm hương chủ yếu thực hiện đóng gói sản phẩm để các thương lái về nhận hàng phân phối tiêu thụ. Công đoạn phơi hong, tẩm nhúng sản phẩm đã được thực hiện trong mùa hè. Khoảng 20 tháng chạp đến 15 tháng giêng năm sau là thời kỳ cao điểm để xuất hàng. Nếu mỗi năm, gia đình anh sản xuất 4,5-5 vạn thẻ hương, thì giai đoạn này tiêu thụ khoảng 60% sản lượng. Nhờ mạnh dạn đầu tư máy sản xuất hương và dây chuyền in ấn bao bì, nhãn mác nên thương hiệu hương Báo Ân không chỉ phục vụ nhu cầu tâm linh của bà con trong tỉnh mà còn có mặt khắp các địa phương trong cả nước.
Các cơ sở sản xuất kẹo cu đơ ở phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) tất tả vào vụ Tết. |
Theo Chủ nhiệm HTX Kinh doanh và Chế biến nước mắm xuất khẩu Thọ Vân (Thạch Kim – Lộc Hà) Nguyễn Hữu Thọ, thời điểm thị trường đang “khát hàng” chính là cơ hội cho người sản xuất quảng bá thương hiệu, khẳng định uy tín với khách hàng. Sau khi tham gia hội chợ xuân ở TP Hà Tĩnh và TX Hồng Lĩnh, thương hiệu nước mắm Thọ Vân tiếp tục tham gia các hội chợ, triển lãm ở khu vực Tây Nguyên. Ngoài mục đích quảng bá, mỗi hội chợ, HTX tiêu thụ hơn 2.000 lít nước mắm. Thông qua các hội chợ, triển lãm, thương hiệu nước mắm Thọ Vân dần quen thuộc với người tiêu dùng. Lượng nước mắm bán ra cũng vì thế tăng 200-500 lít/ngày. Tính ra, với giá 25.000 đồng/lít, bình quân mỗi ngày, HTX thu về hơn 12 triệu đồng.
Dưới tác động của suy thoái kinh tế, các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh ta cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, với sức sống vốn có của nó, các doanh nghiệp, cơ sở ở các làng nghề đã có nhiều biện pháp duy trì nhịp độ sản xuất, từng bước vượt qua khó khăn, thử thách. Giám đốc Doanh nghiệp Tuấn Yến – Nguyễn Quốc Tuấn (TX Hồng Lĩnh) cho biết, trước đây, các sản phẩm gia công cơ khí của Trung Lương len lỏi khắp thị trường toàn quốc. Nhờ chất lượng tốt, giá thành rẻ nên sản phẩm được nhiều doanh nghiệp, đơn vị lựa chọn. Trải qua một giai đoạn khó khăn, người làng nghề Trung Lương hiểu rằng, trau dồi tay nghề, cải tiến chất lượng, mẫu mã, nhạy bén với thị trường là biện pháp hữu hiệu nhất để duy trì và phát triển sản xuất.
Cũng với cách nghĩ đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mộc ở làng nghề Thái Yên (Đức Thọ) giờ đây cũng đã thay đổi phương thức tiếp cận thị trường bằng việc cho ra mắt nhiều sản phẩm mới, đa dạng về chủng loại, kiểu dáng. Ông Nguyễn Công Phúc – Cụm phó Cụm TTCN, làng nghề Thái Yên cho rằng, mặc dù đã có máy móc hỗ trợ, song tay nghề khéo léo của người thợ vẫn đóng vai trò quyết định. Để có một sản phẩm mộc chất lượng tốt, đòi hỏi các công đoạn từ lựa chọn gỗ đến chế tác, hoàn thiện đều phải công phu, tỉ mỉ. Theo ông Phúc, đáp ứng thị hiếu của khách hàng, những tháng cuối năm, bên cạnh việc sản xuất các mặt hàng quen thuộc như bàn ghế, tủ, giường, các cơ sở sản xuất mộc ở Thái Yên đã chú tâm đến các sản phẩm có nhu cầu cao trong ngày tết như: mộc cao cấp, lục bình, đồ thờ cúng, câu đối…
Cũng theo nhận định của ông Nguyễn Công Phúc, năm 2014, kinh tế trong và ngoài nước sẽ bắt đầu hồi phục. Đây chính là cơ hội để các làng nghề vươn lên, khẳng định uy tín, thương hiệu với thị trường.
NGÔ TUẤN
Nguồn: baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn