Qua thực tiễn triển khai nhiệm vụ, chúng tôi vẫn thường đặt câu hỏi: Tại sao cùng một nghị quyết, một chủ trương nhưng địa phương này làm tốt, địa phương khác thì làm yếu kém, thậm chí có khuyết điểm? Vậy mà thông qua công tác kiểm tra, giám sát vẫn chưa xác định được nhiều những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt để đề xuất biểu dương, khen thưởng, động viên phong trào và nhân rộng; mặt khác cũng chưa chỉ ra những địa phương, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chỉ đạo thực hiện chậm trễ, kém hiệu quả, có nhiều khuyết điểm, hạn chế, đùn đẩy trách nhiệm.
Kiểm tra, giám sát việc thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu là một nhiệm vụ quan trọng được chúng ta thực hiện nhiều năm qua, đặc biệt là đối với cấp ủy viên cùng cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, là những “tư lệnh” vùng, ngành được Đảng, Nhà nước và Nhân dân trao cho nhiều trọng trách. Tuy vậy, số cuộc thực sự có chất lượng và hiệu quả chưa nhiều. Khi đánh giá, nhận xét một người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chúng ta vẫn chưa đưa ra được những chỉ số quan trọng như: Đã chủ trì đề xuất các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách mới có hiệu quả như thế nào; khả năng kích hoạt được cả hệ thống, làm cho tất cả đội ngũ cán bộ đều có sự hứng khởi trong triển khai các nhiệm vụ chính trị, từ đó có tác dụng làm chuyển biến căn bản được tình hình không; lĩnh vực, địa bàn người đó phụ trách có những nổi bật hay hạn chế gì; sự toàn tâm, toàn ý vì công việc chung, thể hiện tinh thần giám nghĩ, giám làm, giám chịu trách nhiệm như thế nào...?. Đồng thời qua kiểm tra, giám sát cũng chưa đề xuất để có thể đưa ra khỏi vị trí lãnh đạo, nhất là vị trí đứng đầu, những cán bộ không có thực tài, cơ hội, cá nhân chủ nghĩa, tư duy nhiệm kỳ, làm việc cầm chừng, tư tưởng, đạo đức không trong sáng...
Kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm thời gian qua mặc dù các cấp ủy, ủy ban kiểm tra đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Nhận diện các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã được đề cấp trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII được toàn Đảng, toàn dân thừa nhận; thậm chí tại nhiều cơ quan, đơn vị, trên một số lĩnh vực chúng ta thấy không khó phát hiện dấu hiệu vi phạm, thậm chí có những vi phạm phổ biến như: Trên lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên khoáng , đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài chính ngân sách; tình trạng vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, vi phạm quy chế làm việc, sự thiếu gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu... Những hạn chế, khuyết điểm đó nói đã nhiều, kéo dài nhiều năm, xuyên suốt từ Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đến Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII mà chưa có dấu hiệu giảm.
Trước thực trạng đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, nhằm thực hiện tốt các gải pháp được nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cần phải tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là: Ủy ban kiểm tra các cấp cần tham mưu cấp ủy có những chủ trương, định hướng kiểm tra, giám sát vào những nội dung, lĩnh vực cụ thể, thiết thực mà có thể làm chuyển biến được tình hình sau mỗi cuộc kiểm tra, giám sát; đồng thời chỉ đạo thực hiện triệt để các thông báo kết luận kiểm tra, giám sát.
Hai là: Kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm là việc khó khăn, phức tạp, vì vậy cần có sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy; cần xác định rõ những lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm, khảo sát, nắm chắc tình hình, từ đó có thể phân bổ từng vụ việc theo thời gian; nhóm vụ việc nào sẽ do ủy ban kiểm tra thực hiện, nhóm vụ việc nào sẽ do cấp ủy chỉ đạo thực hiện.
Ba là: Quan tâm kiểm tra, giám sát trách nhiệm người đứng đầu; kết luận kiểm tra, giám sát trách nhiệm người đứng đầu cần phải đề cập được các nội dung cơ bản: Năng lực dẫn dắt, tổ chức và điều hành công việc của tập thể; năng lực đề ra các chủ trương, biện pháp, cơ chế chính sách mới; trách nhiệm và sự công tâm trong chuẩn bị các phương án về cán bộ; tính năng động, sáng tạo, đưa ra nhiều ý tưởng, thể hiện tinh thần giám nghỉ, giám làm, giám chịu trách nhiệm; năng lực khởi động, tạo sự nhiệt huyết trong cả hệ thống cán bộ; năng lực thuyết trình, lý giải, lập luận thuyết phục để tạo sự nhận thức chung, sự đồng thuận ủng hộ của tập thể, thu phục nhân tâm... Và sản phẩm cuối cùng đó là tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và sự chuyển biến tích cực trên lĩnh vực, địa phương phụ trách. Có như vậy sức mạnh của kết luận kiểm tra, giám sát sẽ được nâng lên rất nhiều lần; người đứng đầu, tổ chức quản lý cán bộ không chỉ biết khuyết điểm, hạn chế để tự điều chỉnh mà còn là cơ hội để những người đứng đầu nhận thức đúng đắn hơn về quyền hạn và trách nhiệm của mình.
Bốn là: Tham mưu cấp ủy xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát là việc đặc biệt quan trọng; những người được quy hoạch, chọn làm cán bộ kiểm tra phải được trang bị nhiều kiến thức cơ bản, phải được huấn luyện để tinh thông về chuyên môn, nghiệp vụ, có khả năng tốt về tư duy pháp lý và tư duy lãnh đạo, có nhiều kinh nghiệm và các kỷ năng cần thiết như: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng vận động, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng phối hợp nhóm, kỹ năng thu thập và xử lý thông tin, kỹ năng thẩm tra, xác minh và được chỉnh huấn, giáo dục, rèn luyện, thử thách thường xuyên, mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay.
Nguyễn Thăng Long - Chủ nhiệm UBKT Thị ủy Hồng Lĩnh
http://hatinh.dcs.vn