Đây là nội dung được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng Ban Chỉ đạo về các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho người dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường khẳng định trong báo cáo tổng kết tại hội nghị tổng kết hoạt động Ban chỉ đạo diễn ra sáng nay (17/5) tại Quảng Trị.
Bồi thường kịp thời, đúng đối tượng
Thực hiện chính sách hỗ trợ khẩn cấp cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 19.335,374 tấn gạo đã được cấp cho 214.840 người thuộc các hộ gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự cố môi trường biển với mức 15 kg gạo/người/tháng trong thời gian 6 tháng.
Cùng với đó, đã hỗ trợ khẩn cấp 101,36 tỷ đồng để người dân mua giống, sửa chữa tàu, thuyền, ngư lưới cụ; hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng để mua tạm trữ thủy sản; tiền điện để dự trữ hàng tồn kho; hỗ trợ 70% giá trị hàng hải sản tiêu hủy.
Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, tính đến ngày 10/5/2018, tổng số kinh phí các tỉnh đã phê duyệt để chi trả hỗ trợ, bồi thường thiệt hại là 6.490,2 tỷ đồng (Hà Tĩnh: 1.748,1 tỷ đồng, Quảng Bình: 2.759,0 tỷ đồng, Quảng Trị: 1.017,1 tỷ đồng, Thừa Thiên-Huế: 966,0 tỷ đồng). Đến nay đã chi trả 6.403,0 tỷ đồng cho người dân, tương đương 98,7% so với số tiền đã phê duyệt.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các ngân hàng cho vay 208,93 tỷ đồng để thu mua tạm trữ 7.302 tấn hải sản, đến cuối tháng 2/2017 các khách hàng được vay vốn đều đã trả hết nợ vay cho ngân hàng. Tính đến ngày 31/3/2018, các ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn giảm lãi vay nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong việc trả nợ vay ngân hàng.
Theo tổng hợp, báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tính đến ngày 20/3/2018, các đối tượng thuộc diện hỗ trợ đã được cấp 237.781 thẻ bảo hiểm y tế với tổng số tiền mua thẻ bảo hiểm y tế là 118,66 tỷ đồng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổng hợp, thẩm tra nhu cầu kinh phí hỗ trợ học phí cho trẻ em học mầm non, học sinh phổ thông và sinh viên đại học trong thời gian 02 năm học từ 2016 đến 2018 của 4 tỉnh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét tạm cấp kinh phí thực hiện là 175,718 tỷ đồng.
Bộ LĐTB&XH đã chỉ đạo các doanh nghiệp đưa lao động của 4 tỉnh đi làm việc tại Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản tập trung vào các nghề: Thuyền viên tàu cá, sản xuất chế tạo trong ngành công nghiệp và làm công việc dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong các trung tâm dưỡng lão và hộ gia đình. Đến ngày 31/01/2018, đã đưa 32.231 người đi lao động theo hợp đồng.
Các địa phương cũng đã tư vấn việc làm, học nghề và các chính sách liên quan cho hàng chục nghìn lượt người; tổ chức hàng chục lớp đào tạo nghề cho hàng nghìn lao động nông thôn, vùng biển. Quỹ Quốc gia về việc làm đã cho 2.384 dự án vay vốn tạo công ăn việc làm cho 3.279 người lao động.
Sản xuất được khôi phục
Ngay sau khi sự cố môi trường xảy ra, Bộ NN&PTNT đã ban hành các văn bản hướng dẫn khôi phục sản xuất về nuôi trồng, khai thác thủy sản, sản xuất muối và giám sát ATTP tại 4 tỉnh miền Trung; điều động tàu Kiểm ngư hỗ trợ và phối hợp với 4 tỉnh tăng cường tuần tra, giám sát và vận động ngư dân không sử dụng các nghề khai thác hải sản tầng đáy ở vùng biển 20 hải lý trở vào bờ từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế nhằm bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản tầng đáy và đặc biệt là hệ sinh thái thủy sinh vừa mới bị tổn thương và khu vực có thủy sản còn non, đồng thời giúp cho người tiêu dùng yên tâm sử dụng sản phẩm hải sản khai thác trong vùng biển 4 tỉnh.
Đến nay, nguồn lợi thủy sản đã có sự phục hồi, nhiều loại cá nổi như cá cơm, cá nục, cá khoai, ruốc... đã xuất hiện trở lại; người dân tích cực bám biển sản xuất các nghề khai thác cá nổi; từng bước chuyển các nghề khai thác tầng đáy như lồng bẫy, lưới rê đáy sang khai thác ở vùng biển xa bờ như rê khơi, vây, chụp mực, câu vàng. Số lượng tàu khai thác trên biển đã tăng trở lại bình thường. Sản lượng khai thác hải sản năm 2017 của 4 tỉnh đạt gần 152.000 tấn tăng 23,5% so với năm 2016.
Về nuôi trồng thủy sản, sau khi có công bố môi trường nước biển đã an toàn, người dân đã tích cực cải tạo ao, đầm, đầu tư nuôi trồng thủy sản. Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2017 của 4 tỉnh là 46.900 tấn, tăng 1,4% so với năm 2016.
Hoạt động kinh doanh thủy sản đã trở lại bình thường, người tiêu dùng yên tâm tiêu thụ các sản phẩm hải sản biển, giá hải sản đã theo mặt bằng giá chung của toàn quốc. Tuy nhiên, hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản vẫn còn một số khó khăn như khôi phục cơ sở vật chất, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.
Đối với sản xuất muối, diêm dân đã dành tiền bồi thường thiệt hại để tu sửa, cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất muối năm 2017, sản lượng và giá muối đều tăng, đời sống của diêm dân được ổn định và nâng cao.
Năm 2017, du lịch tại 4 tỉnh bắt đầu phục hồi, khách du lịch nội địa đến các điểm tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí trong dịp nghỉ lễ, tết tăng cao so với cùng kỳ năm 2016. Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành năm 2017 đều tăng cao so với năm 2016.
Nhiều bài học kinh nghiệm
Theo thường trực Ban Chỉ đạo, sự cố môi trường biển là bài học đắt giá cho cả Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Trong đó, bài học quan trọng nhất là phải luôn nhận thức bảo vệ môi trường là cốt lõi, không đánh đổi môi trường với bất cứ giá nào. Công tác bảo vệ môi trường cần được coi là nhiệm vụ chính trị hàng đầu ở các cấp chính quyền, cần quan tâm đúng mức, xem xét vấn đề môi trường từ khi lựa chọn các dự án đầu tư và trong quá trình giám sát thực hiện.
Mặc dù quá trình xử lý, khắc phục sự cố môi trường và ổn định đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, phức tạp nhưng nhờ huy động và phát huy được sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân, đặc biệt là khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp, các nhiệm vụ đề ra đã cơ bản được hoàn thành.
Cần chủ động, kịp thời cung cấp thông tin và làm tốt công tác tuyên truyền vận động người dân để tạo sự đồng thuận, ủng hộ và tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy và chính quyền từ Trung ương đến địa phương.
Huy động và phối hợp được lực lượng đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài nước để xác định nguyên nhân sự cố môi trường trong một khoảng thời gian ngắn đáp ứng được các yêu cầu về khoa học cũng như chính trị, góp phần đập tan các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động.
Mô hình, hoạt động của Ban Chỉ đạo giải pháp xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình khắc phục sự cố môi trường biển, khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cũng là một trong những bài học kinh nghiệm quan trọng.
Sự cố môi trường biển đã gây ảnh hưởng trên 400 thôn/xóm thuộc 67 xã/phường/thị trấn của 7 huyện/thành/thị ở Hà Tĩnh. Đối tượng bị ảnh hưởng thuộc diện bồi thường, hỗ trợ theo quy định của trung ương rất lớn. Trong đó gồm: hơn 6.000 tàu cá; 2.259 ao, hồ, bãi triều nuôi trồng thủy sản mặn lợ; 31.692m3 nuôi lồng bè mặn lợ; 127 ha sản xuất muối, nhiều cơ sở kinh doanh, buôn bán, chế biến thủy hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, nhiều cửa hàng ăn uống phục vụ khách du lịch, với hơn 60.000 lao động và các đối tượng khác theo quy định... Tổng kết công tác khắc phục thiệt hại do sự cố môi trường, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thẩm tra, phê duyệt bồi thường, hỗ trợ cho hơn 60.800 đối tượng trên địa bàn tỉnh với số tiền 1.748 tỷ đồng (trên tổng số dự kiến ban đầu hơn 2.000 tỷ đồng). Trong đó: bồi thường, hỗ trợ theo Quyết định số 1880/QĐ-TTg và Quyết định số 309/QĐ-TTg là 1.638,2 tỷ đồng; theo Văn bản 1826/TTg-NN là 109,8 tỷ đồng; giá trị còn tồn đọng chưa phê duyệt khoảng hơn 10 tỷ đồng (số liệu này đang tiếp tục soát xét hồ sơ, trường hợp đủ điều kiện sẽ được thẩm định, bồi thường theo quy định). Đến nay, việc chi trả tiền cho người dân trong số đã phê duyệt đã cơ bản hoàn thành (với 1.734/1.748 tỷ đồng, đạt 99,1%), số kinh phí còn lại chưa chi trả do đối tượng đi lao động nước ngoài hoặc dừng chi trả để giải quyết đơn thư phản ánh sau công khai. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn