Nuôi hươu sao đem lại ấm no cho người dân Hương Sơn
Chúng tôi về Hương Sơn đúng mùa "hái lộc", người dân xã Sơn Quang (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đang rộn ràng cắt lộc, mua bán nhộn nhịp. Xã này là địa phương đang dẫn đầu tỉnh Hà Tĩnh về số lượng hươu với tổng đàn lên đến 2.210 con. Điển hình các thôn có số đàn lớn như Sông Con với 500 con, Đông Phổ hơn 400 con, Bàu Sơn 300 con...
Sau nhiều tháng mùa Đông lạnh giá, hươu phải mang trên mình bộ lông xù xì, dày cộm để chống rét. Đến mùa Xuân ấm áp, hươu tự trút bỏ đám lông xấu xí ấy rồi khoác lên tấm áo mới mỏng manh, vàng óng của lông nhung. Vào mùa cắt lộc, làng nào cũng tổ chức một ngày hội cắt lộc.
Theo những người già nhiều kinh nghiệm ở đây, ngày trước, nhát cưa đầu tiên phải do một thanh niên chưa vợ, khỏe mạnh thực hiện với mong muốn chú hươu này có được sức mạnh của người thanh niên. Huyện Hương Sơn may mắn được đất trời ban cho nhiều điều kiện thuận lợi, phù hợp với sự phát triển của con hươu.
Theo nhiều người nói, hươu ăn lá cây tự nhiên ở vùng rừng, núi, nhất là các loại lộc, lá có vị đắng, chát như lá xoan, lá ngón, lá chim chim, ngũ gia bì, kim ngân hoa... thì năng suất, chất lượng nhung càng cao, hươu con khỏe mạnh, phát triển nhanh. Có lẽ chính vì vậy mà đàn hươu ở đây có điều kiện phát triển, sản phẩm nhung hươu được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng nhất cả nước.
Ông Trần Thanh Bình, một người nuôi hươu, chia sẻ: "Trước kia, người chăn nuôi hươu mỗi năm chỉ lấy được một lứa nhung, nhưng giờ đây đã có cách chăm sóc hươu đặc biệt để thu mỗi năm hai lứa nhung với mỗi cặp bình quân 0,6kg, có những chú hươu khoẻ có thể cho lộc nặng đến 1kg. Khách mua có thể vào tận nơi chọn lộc ngay trên đầu hươu và cắt ngay tại chỗ nên rất tin tưởng".
Mùa này, dạo quanh các làng ở Hương Sơn, chỗ nào khách cũng thấy tấp nập các hoạt động liên quan đến mua bán lộc hươu. Năm 2013, người dân Sơn Quang xuất bán hàng tạ nhung và hàng trăm con hươu giống, đưa tổng doanh thu lên 8 tỷ đồng. Hiện tại, phong trào nuôi hươu ở Sơn Quang đang phát triển mạnh, trong đó, ngày càng xuất hiện nhiều gia đình nuôi hươu đàn từ 5 con trở lên.
Chủ tịch xã Sơn Quang Nguyễn Văn Minh cho biết: "Ở chốn thâm sơn cùng cốc này, dường như nuôi hươu đã xóa đi ranh giới giàu nghèo. Tình làng nghĩa xóm đậm đà bên bát nước chè xanh, bên chén rượu nồng của lộc hươu. Hươu càng nhiều, đất càng phát lộc, tình làng nghĩa xóm càng keo sơn gắn bó”.
Hộ gia đình ông Trần Thanh Bình chăn nuôi hươu tại xã Sơn Quang |
Nếu như hươu đực được chăm sóc đúng kỹ thuật và phát triển tốt thì sau 2 năm đã bắt đầu ra chóc, sau 3 năm ra nhung, mỗi năm ra 2 lứa. Trung bình một con hươu đực trưởng thành mỗi năm cho thu nhập xấp xỉ 20 triệu đồng. Còn hươu cái sau 2 tuổi sẽ bắt đầu sinh sản và mỗi năm đẻ một lứa.
Hươu con sau 3 tháng tuổi có thể tách mẹ và bán được, giá hươu đực dao động từ 10 - 15 triệu đồng/con, hươu cái từ 2 - 4 triệu đồng/con. Theo ước tính, vụ thu hoạch nhung năm nay người nuôi hươu ở Hương Sơn sẽ thu nhập đạt trên 140 tỷ đồng.
Nhờ nuôi hươu, nhiều gia đình từ nghèo khó trở thành khá giả, có của ăn của để, có điều kiện tốt hơn cho con cái được học hành, sắm sửa thêm nhiều vật dụng gia đình.
Để thúc đẩy phát triển đàn hươu, Huyện ủy có chính sách hỗ trợ 10 triệu đồng cho mô hình trên 10 con và 200 triệu đồng cho mô hình nuôi trên 50 con. Nuôi hươu sao để lấy nhung không chỉ với mục đích kinh doanh mà còn có mục đích bảo tồn loài động vật quý hiếm và hoang dã.
Hương Sơn đang dần quy hoạch phát triển vùng nuôi hươu sao nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần ổn định đời sống cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Sơn, cho biết: "Hươu sao là một trong 13 sản phẩm chủ lực của tỉnh, nên UBND tỉnh đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ chăn nuôi, đàn hươu đang ngày một phát triển mạnh. Những năm gần đây, các mô hình nuôi hươu ở Hương Sơn phát triển khá mạnh. Nhờ nuôi hươu, nhiều gia đình từ nghèo khó trở thành khá giả”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn