Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cùng đi với đoàn.
Đến kiểm tra thực tế tại Khu du lịch Thiên Cầm (Cẩm Xuyên), Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và đoàn nghe báo cáo tình hình hoạt động chung của khu du lịch cũng như hệ thống cơ sở kinh doanh dịch vụ. Nhờ làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền nên đến nay, lượng khách đến với Thiên Cầm đã tăng trưởng nhanh. Từ đầu năm đến nay, Thiên Cầm đã đón trên 120.000 khách về nghỉ dưỡng, tắm biển. Hoạt động buôn bán, kinh doanh diễn ra thuận lợi, mang lại thu nhập lớn cho các hộ dân.
Tiếp đó, đoàn công tác đã đến kiểm tra, nắm bắt kết quả bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do sự cố môi trường biển tại thôn Trung Tân - xã Kỳ Khang (huyện Kỳ Anh).
Nhờ thực hiện tốt công tác rà soát, kiểm kê mức độ thiệt hại của bà con ngư dân, hộ nuôi trồng thủy sản nên việc bồi thường, hỗ trợ cho bà con tại thôn Trung Tân nói chung, huyện Kỳ Anh nói riêng được triển khai thuận lợi, đúng quy trình, đúng đối tượng và nhận được sự đồng thuận cao của người dân.
Đến nay, sau 11 đợt phê duyệt, huyện Kỳ Anh chi trả cho 7.191 đối tượng với kinh phí bồi thường thiệt hại gần 171 tỷ đồng. Đối với các trường hợp còn băn khoăn, thắc mắc về chính sách bồi thường và các tiêu chuẩn được bồi thường, hỗ trợ, lãnh đạo huyện Kỳ Anh đã trực tiếp gặp gỡ, đối thoại, giải thích kỹ.
Thay mặt đoàn công tác Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các cấp chính quyền Hà Tĩnh trong công tác bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho bà con vùng ảnh hưởng, từng bước giúp bà con ngư dân, hộ sản xuất, kinh doanh khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.
Phó Thủ tướng đề nghị, mặc dù công tác khắc phục đã cơ bản hoàn thành, song dư âm của sự cố thì vẫn còn. Vì vậy, đề nghị cấp ủy, chính quyền Hà Tĩnh tiếp tục hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất; đồng thời nắm chắc tình hình, đảm bảo ANTT và môi trường đầu tư.
Tại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng đã đến kiểm tra tình hình hoạt động của nhà máy cũng như các công trình bảo vệ môi trường. Đặc biệt, nắm bắt công tác chuẩn bị cho việc vận hành lò cao số 2.
Theo báo cáo từ phía Formosa, đến nay, lò cao số 1 đang hoạt động ổn định với 100% công suất, mỗi ngày sản xuất hơn 9.000 tấn gang lỏng để chuyển sang luyện, cán thép. Đối với hạng mục lò cao số 2, đã hoàn thành việc xây dựng, sẵn sàng cho việc vận hành thử nghiệm trong tháng 5.
Trong công tác bảo vệ môi trường, 7 hạng mục bổ sung về bảo vệ môi trường sau sự cố môi trường biển đều đã hoàn thiện và hoạt động ổn định. Trong hơn 2 năm qua, các kết quả về nước thải, khí thải của Formosa Hà Tĩnh trước khi xả ra môi trường đều đạt quy chuẩn cho phép; đặc biệt, thông số Xyanua và Phenol có nồng độ rất thấp so với tiêu chuẩn Việt Nam.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những nỗ lực của Formosa Hà Tĩnh trong khắc phục sự cố môi trường biển, nhất là đầu tư khắc phục các khiếm khuyết trong công nghệ sản xuất; công khai, minh bạch các thông số về môi trường để người dân giám sát. Đặc biệt, Formosa đã có những nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho cả nước, tạo việc làm ổn định cho lao động.
Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý, sự cố môi trường biển là bài học không chỉ cho Formosa mà còn cả các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khác. Việc phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo vệ môi trường, đây là điều kiện tiên quyết cho phát triển bền vững. Chính vì vậy, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác kiểm soát các nguồn thải, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, đảm bảo an toàn trong sản xuất, nhất là môi trường, lao động, cháy nổ.
Formosa Hà Tĩnh phải đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thiện và đưa vào sử dụng hệ thống dập cốc ướt sang dập cốc khô theo cam kết. Các bộ, ngành liên quan, chính quyền Hà Tĩnh cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, đảm bảo ANTT và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển.
Theo Phúc Quang/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn