Năm 2016, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của BTV, BCH Huyện ủy, sự điều hành linh hoạt của UBND huyện, Nghi Xuân đã đạt được những thành tích khá nổi bật. Tổng giá trị sản xuất đạt 4.173 tỷ đồng, thu ngân sách đạt trên 130 tỷ đồng.
Đặc biệt, năm 2016 Nghi Xuân thu hút được 16 dự án đầu tư trên địa bàn, với tổng giá trị đạt 6.000 tỷ đồng. Đến nay đã có 1 dự án đi vào hoạt động; 1 dự án đang đầu tư xây dựng; 3 dự án đã hoàn thiện các thủ tục đầu tư, đang GPMB để khởi công vào cuối quý 1/2017, với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra còn 5 dự án khác đang làm thủ tục xin chủ trương đầu tư, với tổng mức đầu tư trên 3.000 tỷ đồng.
Bí thư Huyện ủy Trần Báu Hà: Hiện nay các địa phương rất quyết tâm hoàn thành các tiêu chí còn lại trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, việc xử lý đơn thư, khiếu nại ở Nghi Xuân vẫn phức tạp, có một số vụ vượt quá thẩm quyền…
Nghi Xuân cũng đặc biệt quan tâm củng cố QP-AN, tăng cường đảm bảo an ninh trật tự; tích cực xây dựng và củng cố tổ chức Đảng, hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền các cấp; xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ủy viên thường vụ, ủy viên ban chấp hành; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo HĐND, UBND xây dựng nghị quyết, kế hoạch hoạt động sát với tình hình thực tiễn và từng thời điểm cụ thể…
Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng: Việc nâng tầm chợ Xuân An thành trung tâm thương mại cần cân nhắc và xem xét cẩn thận.
Thời gian tới, bên cạnh tăng cường thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Nghi Xuân còn tập trung đẩy nhanh tốc độ phát triển các ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ; tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp…
Chủ tịch UBND Đặng Quốc Khánh: Nghi Xuân hội tụ đầy đủ các yếu tố kinh tế, văn hóa để có thể phát triển nhanh và trở thành đô thị vệ tinh. Đặc biệt là hiện tại đội ngũ cán bộ lãnh đạo huyện đoàn kết, đó chính là nền tảng vững chắc để địa phương hoàn thành các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, Nghi Xuân cần tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư triển khai các dự án.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Nghi Xuân đề nghị Thường trực Tỉnh ủy quan tâm, chỉ đạo các ngành liên quan tạo điều kiện giúp đỡ cho ngư dân vay vốn đóng tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67 của Chính phủ (hiện có nhiều hộ đăng ký, trong đó có 3 hộ đã hoàn tất hồ sơ, thủ tục từ năm 2016 nhưng chưa được vay vốn); sớm bố trí nguồn vốn để hoàn thiện các công trình thuộc dự án nâng cấp tuyến đường Gia Lách đi Khu di tích Nguyễn Du; có chính sách hợp lý trong xử lý rác thải sinh hoạt tại các khu, cụm dân cư và khu công nghiệp…
Phó Bí thư Thường trực Trần Nam Hồng: Nằm cạnh thành phố Vinh (Nghệ An), bên cạnh lợi thế, sức ép tác động cũng rất lớn đối với quá trình phát triển của Nghi Xuân, vì vậy địa phương cần nỗ lực hơn nữa.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung phân tích những tồn đọng, hạn chế mà Nghi Xuân đã và đang phải đối mặt như: tình trạng xử lý đơn thư, khiếu nại còn khó khăn; ô nhiễm môi trường; sự thiếu hụt cán bộ công chức cấp xã…
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn đánh giá cao quyết tâm của Nghi Xuân trong việc sớm đưa huyện về đích xây dựng nông thôn mới. Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Nghi Xuân có cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới; đạt được thành tích khá toàn diện, tuy nhiên không phải thành tích nào cũng nổi bật. Đặc biệt, Nghi Xuân còn chậm trong xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo; chất lượng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở còn yếu kém”.
Bí thư Tỉnh ủy cho rằng. “Nghi Xuân cần xác định là đô thị vệ tinh trong phát triển kinh tế, xã hội; phải xử lý dứt điểm tồn đọng kéo dài; tập trung GPMB để thu hút các nguồn lực, dự án; rà soát, bố trí, luân chuyển cán bộ một cách hợp lý”.
Theo Hoài Nam/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn