Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiện: Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt, triển khai công việc một cách sát sao, cụ thể nhằm lập kế hoạch phát triển KT-XH một cách tối ưu nhất...
Phát biểu mở đầu hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiện nhấn mạnh: “Trong những năm gần đây, Hà Tĩnh có bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Chúng ta đã vượt qua được những lúng túng ban đầu về phương pháp lập kế hoạch phát triển KT-XH theo MoSEP (lập kế hoạch phát triển KT-XH theo định hướng thị trường). Tuy nhiên, đến nay sau khoảng thời gian dài vẫn còn khá nhiều tồn tại”.
Báo cáo tổng kết cho thấy, sau 3 năm triển khai đổi mới công tác lập kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm cấp xã trên phạm vi toàn tỉnh, hầu hết các địa phương đã nhận thức được một cách đầy đủ về ý nghĩa, vai trò và hiệu quả của công tác này theo phương pháp mới.
So với năm 2014, chất lượng các bản kế hoạch của các xã, phường, thị trấn được nâng lên rõ rệt. Từ chỗ 84 xã, phường, thị trấn xếp loại yếu kém (2014) nay chỉ còn 10 đơn vị. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, công tác lập kế hoạch hàng năm chưa nhận được sự quan tâm thỏa đáng của các cơ quan chuyên ngành, chưa mạnh dạn đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác lập kế hoạch hàng năm.
Tại hội nghị, đại biểu các đầu cầu cho rằng, phương pháp lập kế hoạch mang lại hiệu quả rất lớn, đồng thời tạo điểm nhấn trong lựa chọn sản phẩm chủ lực, từ đó xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH sát sao. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là năng lực lập kế hoạch của đội ngũ cán bộ xã, huyện còn hạn chế… Nhiều ý kiến phát biểu kiến nghị tỉnh và BQL Dự án SRDP giới thiệu các doanh nghiệp nhằm xây dựng mối quan hệ liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tổ chức thêm nhiều lớp tập huấn nâng cao năng lực nhận thức cho đội ngũ cán bộ lập dự án…
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện nhấn mạnh: Lập kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xác dịnh mục tiêu ngắn hạn, dài hạn, từ đó đề ra các giải pháp thực hiện. Vì vậy, yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt, triển khai công việc một cách sát sao, cụ thể và lập kế hoạch được thực hiện bắt đầu từ cấp cơ sở đến xã và huyện.
Để làm tốt nhiệm vụ này, yêu cầu số liệu đầu vào phải thu thập chính xác, phải dự báo được khả năng phát triển của địa phương mình. Thời gian tới đề nghị BQL Dự án SRDP sắp xếp thời gian, kinh phí để tổ chức các lớp tập huấn cho các xã, đồng thời bố trí cho các địa phương tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở những mô hình làm tốt công tác này ở trong và ngoài tỉnh.
Hoài Nam
theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn