Ông có thể chia sẻ những ấn tượng của mình về miền đất Hà Tĩnh?
Tôi đến Hà Tĩnh nhiều lần nhưng chủ yếu là đi qua. Trong tâm trí tôi, thành phố Hà Tĩnh nằm bên quốc lộ 1A nghèo, nghèo lắm, nắng mưa đều dữ dội, lại có gió lào. Rất khắc nghiệt. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã đúc trong sáu chữ ở một câu hát rất chuẩn: “Hạt mưa bay, ngọn gió cuốn”. Thế nhưng, con người Hà Tĩnh thì tuyệt vời. Khí hậu khắc nghiệt mà sao con gái đẹp thế! Da trắng nõn. Toàn Thúy Vân, Thúy Kiều cả (cười). Tôi ngờ cụ Nguyễn Du lấy gái Hà Tĩnh làm mẫu tả cô Kiều, cô Vân. Đàn ông Hà Tĩnh rất có chí và ham học. Người ta có thể bán hết nhà cửa, ruộng vườn cho con cái học. Người Hà Tĩnh yêu chữ hơn yêu tiền bạc, của nả. Vì thế, đất này mới có Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ… Sau này là Huy Cận, Xuân Diệu…, đều là những sự nghiệp lẫy lừng cả.
- Trở lại Hà Tĩnh lần này, cảm nhận của ông ra sao?
Hà Tĩnh phát triển rất nhanh. Thành phố rất đẹp. Tôi không ngờ Hà Tĩnh tiến nhanh thế. Tuy vậy, tài nguyên lớn nhất của Hà Tĩnh vẫn là Người Hà Tĩnh. Vì thế, có lần tôi bảo, có đến hai Hà Tĩnh. Một Hà Tĩnh nằm bên sông Lam. Và một Hà Tĩnh ở bên ngoài Hà Tĩnh. Đó chính là những con người Hà Tĩnh. Họ mang Hà Tĩnh đi theo rồi làm một Hà Tĩnh bừng sáng ở xứ người. Ví như Phạm Nhật Vượng chẳng hạn. Hiện nay, ở Việt Nam có rất nhiều tỷ phú, nhưng tỷ phú như Phạm Nhật Vượng thì không có người thứ hai. Chính anh, bằng tiềm lực và trí tuệ đang làm thay đổi diện mạo ở những vùng đất anh đang sống.
- Còn Hà Tĩnh bên Sông Lam…?
Rất đẹp và thơ mộng. Tôi rất yêu khu lưu niệm Nguyễn Du. Hy vọng đây sẽ thật sự là danh thắng thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Bởi Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới. Khu lưu niệm của cụ có thể bổ sung, tôn tạo để thành một cõi riêng. Cõi của nàng Kiều. Làm sao có cái cho người ta xem, có điều cho người ta suy ngẫm. Khu lưu niệm Nguyễn Du rất rộng, nhưng đừng chạm vào đấy! Cần giữ nguyên hiện trạng, để đến đó, là ta trở về thời của Nguyễn Du. Còn có thể mở ra ở bên cạnh, xây dựng một thế giới của nàng Kiều. Ví dụ, nơi cô Kiều gặp Kim Trọng Dưới cầu nước chảy trong veo – Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha. Hay lầu Ngưng Bích, vườn Thúy, lầu xanh của Tú Bà… Nghĩa là ta tạo dựng cả một thế giới của nàng Kiều. Tôi tin khách tham quan sẽ rất thích.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa |
- Văn chương Hà Tĩnh hiện nay có nối được mạch nguồn của cha ông thuở trước, thưa ông?
- Có chứ. Tất nhiên, thiên tài như cụ Nguyễn Du thì khó. Cả nước có khi phải ngàn năm mới có được một người. Nhưng tài năng thì thời nào cũng có. Và con cháu cụ Nguyễn Du cũng không hổ thẹn khi đứng trước anh linh cụ. Thực tế, chúng ta đã có một Xuân Diệu, một Huy Cận rất lớn và những tên tuổi thân thuộc với bạn đọc cả nước như Xuân Thiều, Phạm Ngọc Cảnh… Ngay tại Hà Tĩnh hiện nay cũng có những cây bút sáng giá như Đức Ban, Duy Thảo, Phan Trung Hiếu… Họ ở lại mảnh đất này nhưng tên tuổi lại được cả nước biết đến. Rồi còn nhiều tinh hoa của Hà Tĩnh ở những lĩnh vực khác.
- Theo ông, người Hà Tĩnh cần chú trọng tố chất nào để phát triển?
- Tầm nhìn là yếu tố quan trọng nhất mà người Hà Tĩnh ngày nay phải trau dồi. Dù có là Hà Tĩnh ở đây nhưng cũng phải đại diện cho cả nước, mang tầm nhìn của quốc gia. Điều này chúng ta phải học cụ Nguyễn Du. Cụ đại diện cho cả dân tộc. Là người có tầm nhìn xa, không chỉ có tầm quốc gia, dân tộc mà còn mang tầm nhân loại. Cụ chính là tấm giấy thông hành để dân tộc Việt Nam ra với thế giới.
Ngoài văn chương, tôi thấy Hà Tĩnh hiện nay cũng có những nhân vật rất đặc biệt. Như Phạm Nhật Vượng mà tôi đã nói. Cái làm nên Phạm Nhật Vượng cũng là tầm nhìn.
Tôi tin một vài năm nữa trở lại đây, Hà Tĩnh sẽ rất khác!
- Xin cảm ơn ông!
Bùi Minh Huệ
(Thực hiện)
Baohatinh.vn