Theo ông Trần Nhật Lam – Phó Chánh văn phòng điều phối T.Ư, sau hội nghị Sơ kết toàn quốc 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM hồi tháng 5/2014, phong trào xây dựng NTM trên toàn quốc đã có bước chuyển biến mạnh mẽ hơn, hầu hết các tỉnh trước đây phong trào yếu hoặc chưa có xã đạt chuẩn đều đã tổ chức hội nghị đánh giá nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục, phấn đấu đạt tỷ lệ xã đạt chuẩn cao vào năm 2015. Theo đó, các công trình kết cấu hạ tầng đã được các địa phương quan tâm xây dựng, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, thu nhập của người dân từng bước được cải thiện.
Đặc biệt là sau hội nghị sơ kết 3 năm, các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo T.Ư đã thường xuyên đi kiểm tra tình hình xây dựng NTM ở các địa phương, kịp thời động viên, uốn nắn và tập trung tháo gỡ những vấn đề còn tồn tại trong xây dựng NTM. Đồng thời Ban chỉ đạo T.Ư cũng có văn bản chỉ đạo kịp thời các vấn đề sai lệch ở cơ sở (về huy động sức dân, phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ...) nên đã có tác động lớn, làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, lãnh đạo các cấp và được nhân dân đồng lòng, tin tưởng hơn vào sự nghiệp xây dựng NTM.
Theo thống kê, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình tính đến nay đã đạt hơn 157.814 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách T.Ư trực tiếp cho chương trình là 5.255 tỷ đồng (chiếm 3,3%). Ngân sách lồng ghép từ các chương trình khác 23.510,7 tỷ đồng (15%); ngân sách địa phương 20.089,282 tỷ đồng, chiếm 13%; vốn tín dụng 85.032,979 tỷ đồng, chiếm 53,6%; vốn đóng góp của doanh nghiệp 5.851,463 tỷ đồng, chiếm 3,71% và cộng đồng dân cư đóng góp đạt 18.074,678 tỷ đồng, chiếm 11,45%.
Tốc độ đạt tiêu chí của các xã trên cả nước tăng lên rõ rệt, với 512 xã đạt chuẩn (chiếm khoảng 5,8%). Bên cạnh đó, cả nước đã có 1.258 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí (14,5%); 2.836 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí (32,1%); 2.964 xã đạt 5 - 9 tiêu chí (chiếm 33,6%) và chỉ còn khoảng 945 xã đạt dưới 5 tiêu chí, chiếm 11%. Dự kiến đến cuối năm nay, nước ta sẽ có khoảng 785 xã đạt chuẩn (8,8%). Đáng mừng là hiện cả nước đã không còn xã nào “trắng” tiêu chí.
Ông Lam cho biết, có được kết quả trên là nhờ bên cạnh những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều địa phương đã chủ động vận dụng, ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù nhằm tập trung các nguồn lực, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn. Điển hình như chương trình hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc nông nghiệp theo dự án NTM hoặc ứng dụng công nghệ cao ở Thái Bình, An Giang, Hà Nam, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh...; hỗ trợ xi măng để xây dựng đường giao thông ở Tuyên Quang, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Ninh Bình...; thưởng cho các xã về đích sớm, trong đó tỉnh Nam Định đã thưởng 1 tỷ đồng/xã đạt chuẩn và điều này đã khuyến khích các xã phấn đấu rất mạnh mẽ...
“Tuy nhiên, cũng còn một số tiêu chí các địa phương đạt thấp, trong đó có nhiều tiêu chí cơ bản như môi trường mới đạt 25,18%; giao thông: 21,6%; cơ sở vật chất văn hóa: 15,82%; hộ nghèo: 34,01%... Việc huy động vốn của doanh nghiệp cho đầu tư và hỗ trợ cho xây dựng nông thôn vẫn rất khó khăn, chỉ đạt 3,7%. Một số địa phương có tình trạng đọng nợ xây dựng cơ bản lớn hoặc chạy theo thành tích, huy động quá mức hoặc không dân chủ khi huy động đóng góp từ nhân dân. Đặc biệt, các khu vực miền núi phía Bắc, vùng Nam Trung Bộ tỷ lệ xã đạt dưới 5 tiêu chí vẫn còn cao (trong số 945 xã còn dưới 5 tiêu chí thì miền núi phía Bắc chiếm 67%, Nam Trung Bộ 14%)” – ông Lam cho biết thêm.
Minh Huệ
Nguồn khuyennongvn.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn