Huy động sức dân để xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong những chủ đề được thảo luận sôi nổi tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ vừa diễn ra tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Qua đó, nhiều bài học kinh nghiệm đã được các đại biểu chia sẻ tại diễn đàn.
Nguồn lực khổng lồĐầu năm 2013, huyện Tây Hòa (Phú Yên) triển khai thực hiện “Đề án bê tông hóa giao thông nông thôn”. Chính quyền chỉ hỗ trợ xi măng, phần còn lại do người dân tự nguyện tham gia đóng góp. Do Tây Hòa là huyện thuần nông, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nên lúc đầu cả huyện chỉ “dám” đăng ký làm 50km đường. Tuy nhiên, đến cuối năm 2013, Tây Hòa đã bê tông hóa được 120km với đóng góp của người dân trên 23 tỷ đồng. Ông Trần Trọng Kỳ, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Hòa khẳng định: “Kết quả một năm làm đường bằng 10 năm trước đó cộng lại. Thành công chính là nhờ làm tốt việc huy động sức dân”.
|
Bà con giáo dân Giáo xứ Lạc Viên (Đơn Dương, Lâm Đồng) xây cầu bắc qua sông Đa Nhim hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới. |
Báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM cho thấy, từ năm 2011 đến nay, các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã huy động được 141.354 tỷ đồng cho xây dựng NTM. Đáng chú ý, nguồn vốn do việc xã hội hóa, cộng đồng dân cư đóng góp lên tới 14.168 tỷ đồng, trong đó tỉnh Lâm Đồng là 451 tỷ đồng, tỉnh Phú Yên là 306 tỷ đồng, tỉnh Quảng Nam 355 tỷ đồng, tỉnh Gia Lai 791,5 tỷ đồng… Đây chính là nguồn lực to lớn góp phần thúc đẩy tiến độ xây dựng NTM tại các địa phương.
Bài học về huy động sức dân
Ông Thái On, Bí thư Huyện ủy Đơn Dương (Lâm Đồng) cho biết: “Năm 2011, huyện Đơn Dương triển khai xây chợ mới Quảng Lập với tổng kinh phí dự kiến khoảng 11 tỷ đồng. Chính quyền chỉ hỗ trợ giải phóng mặt bằng, kinh phí xây chợ phải vận động nhân dân đóng góp. Đã có nhiều ý kiến cho rằng dự án khó khả thi vì không thể huy động được nguồn vốn lớn như vậy”. Để giải quyết vấn đề trên, huyện đã chỉ đạo xã tổ chức họp dân, nêu rõ mục đích, ý nghĩa của việc xây chợ; đồng thời thông báo các khoản đầu tư, đâu là phần của Nhà nước, đâu là phần đóng góp của nhân dân, quyền lợi của dân và các hộ tiểu thương sẽ được hưởng khi chợ hoàn thành. Khi thành lập Ban quản lý xây chợ có đại diện của nhân dân tham gia. Vì vậy, dự án đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Cuối năm 2012, chợ mới Quảng Lập với quy mô 216 sạp, vốn đóng góp của dân là hơn 9 tỷ đồng, đã khánh thành thành và đưa vào sử dụng, góp phần giải quyết nhu cầu buôn bán và tiêu thụ nông sản tại địa phương.
Phó chủ tịch UBND huyện Tây Hòa (Phú Yên) Trần Trọng Kỳ chia sẻ: "Nhằm tháo gỡ khó khăn trong xây dựng đường giao thông, chính quyền huyện, xã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thấy rõ lợi ích giao thông nông thôn; đồng thời chọn mỗi xã 1 đến 2 tuyến đường để làm điểm, sau đó tổng hợp, so sánh và đánh giá về tỷ lệ đầu tư so với trước đây rồi thông báo mức thực hiện để dân biết. Khi thực hiện đại trà, huyện và xã để nhân dân tự đứng ra đảm nhiệm thi công, giám sát công trình, còn chính quyền hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Nhờ cách làm này, nhiều cá nhân đã không tiếc đất đai, tiền của để đóng góp làm đường. Tiêu biểu như như sư thầy Thích Quảng Niệm ở chùa Phước Hưng, thị trấn Phú Thứ đóng góp 50 triệu đồng; ông Lê Văn Minh, ở thôn Phú Mỹ, xã Hòa Đồng đóng góp 30 triệu đồng; ông Đàm Tâm Mẫn ở xã Hòa Phú tự nguyện bỏ tiền làm trọn vẹn một con đường dài gần 100m, trị giá 32 triệu đồng...
Để huy động sức dân, thời gian qua các tỉnh, thành phố như: Quảng Nam, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh có nhiều cách làm sáng tạo như: Nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; tranh thủ chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng để động viên nhân dân tham gia đóng góp; vận động các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn chung tay xây dựng NTM. Quá trình thực hiện, cấp ủy, chính quyền đều tính toán mức độ, phương thức đóng góp phù hợp với điều kiện, khả năng của người dân, bảo đảm tốt công khai, dân chủ, thiết thực.
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho rằng: “Thời gian tới các địa phương cần làm tốt công tác vận động tuyên truyền để thu hút sự tham gia đóng góp của nhân dân xây dựng NTM, quá trình thực hiện cần làm tốt quy chế công khai, dân chủ nhằm bảo đảm phong trào xây dựng NTM phát triển nhanh, vững chắc”.
Bài, ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG
Nguồn qdnd.vn