Đến với mô hình trồng hoa tại thôn Tháp và thôn Thu Quế (xã Song Phượng) ngắm những ruộng hoa đồng tiền đa sắc, những ruộng hoa hồng đỏ rực, cùng cảnh thương lái thu mua tấp nập báo hiệu mùa thu hoạch thắng lợi, ông Nguyễn Huy Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Song Phượng vui mừng cung cấp, hiện Song Phượng có 14ha trồng hoa nhiều chủng loại được chuyển đổi từ vùng lúa kém hiệu quả. Trung bình mỗi héc ta hoa cho thu nhập từ 500-600 triệu đồng, cao gấp 10 lần so với trồng lúa. Dự kiến, thời gian tới Song Phượng sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng hoa ở những nơi cấy lúa kém hiệu quả.
Trong năm 2012, các xã, thị trấn của huyện Đan Phượng đã đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với tổng diện tích 306,38ha. Đến nay, nhiều xã đã hình thành mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao như trồng hoa, rau an toàn... ở các xã Đồng Tháp, Thọ Xuân, Song Phượng; khoai tây vụ đông tại các xã Đồng Tháp, Đan Phượng... Đó là 10 dự án trồng bưởi Diễn ở 9 xã: Đồng Tháp, Thọ An, Trung Châu, Liên Hồng, Phương Đình, Thọ Xuân, Thượng Mỗ, Hạ Mỗ với tổng diện tích là 339,3ha; dự án trồng hoa ở xã Tân Lập 30,8ha và 10 dự án rau an toàn ở 10 xã với tổng diện tích 55,3ha. Song song với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều mô hình chăn nuôi có quy mô lớn được nhân rộng như mô hình trang trại nuôi lợn xuất khẩu, nuôi nhím, ba ba, cá sấu, chăn nuôi bò lai sin, bò sữa...
Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đinh Hữu Hạnh cho biết, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đồng loạt chỉnh trang đường làng, ngõ, xóm, đường giao thông nội đồng, chương trình xây dựng NTM tại Đan Phượng đạt kết quả tốt. Đến nay, 15/15 xã trong huyện đã cơ bản hoàn thành quy hoạch và được phê duyệt đề án NTM. Đã có 2 xã Song Phượng và Liên Trung đạt 14 đến 18 tiêu chí. Có 7 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 -13 tiêu chí là Đan Phượng, Đồng Tháp, Phương Đình, Tân Hội, Liên Hồng, Liên Hà, Thọ An. Còn lại 6 xã đạt và cơ bản đạt dưới 10 tiêu chí nằm trong nhóm xã sẽ triển khai mạnh năm 2013 đến 2016.
Trong chương trình xây dựng NTM Đan Phượng luôn chú trọng đến tiêu chí môi trường sống và đường giao thông liên thôn, xóm, đường nội đồng để cải thiện bộ mặt làng quê. Việc triển khai xây dựng các công trình hạ tầng phúc lợi được vận dụng theo đúng tinh thần, mục đích tiêu chí xây dựng NTM là vì dân và của dân nên người dân đồng loạt tham gia hưởng ứng. UBND huyện đã có quyết định phê duyệt cho 15 xã nâng cấp, xây dựng 750 tuyến đường xóm, ngõ với tổng chiều dài: 74.067m. Trong đó xi măng đã giao 4.000 tấn, cát đã giao 4.300m3, sỏi, đá đã giao 7.000m3, khối lượng cát đen, gạch, sắt làm tấm đan và ngày công do nhân dân ứng trước. Mặc dù chưa được tiếp nhận khoản hỗ trợ kinh phí làm hạ tầng theo Quyết định 16 của thành phố nhưng tất cả các xã của Đan Phượng đã năng động huy động sức dân, sự chỉ đạo và hỗ trợ trước một phần vật tư kinh phí của huyện nên 15 xã đều đồng loạt ra quân chỉnh trang đường làng, ngõ, xóm. Bên cạnh đó, Đan Phượng còn là huyện điển hình về công tác vệ sinh môi trường, chỉnh trang bộ mặt nông thôn. Đến nay, huyện đã quy hoạch được 108 hồ, ao môi trường, với tổng diện tích 37,2ha; xây dựng được 30 hồ, ao với khoản kinh phí bỏ ra trên 30 tỷ đồng và 29 bãi trung chuyển rác thải kinh phí trên 12 tỷ đồng; 100% số xã thực hiện tốt đề án thu gom xử lý rác thải. Hiện huyện đang tập trung quy hoạch, xây dựng nhà máy xử lý, chế biến rác thải diện tích 5,3ha, công suất 200 tấn/ngày tại xã Phương Đình.
Thành công lớn nhất Đan Phượng đạt được trong tiến trình xây dựng NTM chính là yếu tố dựa vào sức dân, lấy dân làm trung tâm, tuyên truyền cho toàn dân hiểu mục đích xây dựng NTM là nhằm nâng cao đời sống nhân dân, làm cho quê hương đẹp giàu.