Kinh nghiệm từ Chiềng Ban
Nếu như Pá Lông là xã "trắng" trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM), cái nghèo bao đời nay khiến bà con dân bản chỉ dám mơ đến no cái bụng còn cán bộ xã chưa rành rọt về khái niệm tiêu chí nông thôn mới, thì xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La lại là một bức tranh khác hẳn. Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người tại Chiềng Ban là 20 triệu đồng/người/năm. Năm 2012, con số này là 17 triệu 600 nghìn đồng/người/năm. Trên đường dẫn chúng tôi đến thăm các bản và một số hộ dân, Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Khánh chỉ từng công trình nhà văn hóa bản, từng km đường trải nhựa, hồ hởi khoe: Tất cả các công trình này đều do dân đóng góp 100% phần vốn xây dựng. Riêng đường vào bản, Nhà nước chỉ hỗ trợ 25 tấn xi-măng, còn lại là tiền và sức dân. Hiện, Chiềng Ban đạt 9 trong số 19 tiêu chí về XDNTM. Tới đây, nếu tỉnh thực hiện đúng cam kết đầu tư cho xã điểm với 50% số vốn thực hiện các tiêu chí thì Chiềng Ban khẳng định sẽ huy động được vốn đối ứng trong dân và có thể hoàn thành từ 17 đến 18 tiêu chí. Câu chuyện trở nên rộn ràng trên đường chạy xe về bản Kéo.
Ðến đúng vào ngày bản chuẩn bị khánh thành nhà văn hóa, không khí thật sôi nổi. Biết có đoàn nhà báo từ Hà Nội lên, anh Cầm Văn Thanh, Trưởng bản Kéo tha thiết mời chúng tôi ở lại dự lễ vào sáng hôm sau, giọng không giấu được vẻ tự hào: Nhà văn hóa này chúng tôi xây hết 263 triệu đồng, do dân đóng góp cả đấy! Khi ngỏ ý muốn hỏi anh về quá trình vận động bà con đóng góp xây dựng nhà văn hóa, anh cười: Nhà báo cứ hỏi bà con ngồi đây thôi. Bà con nói còn hay hơn tôi, vì không chỉ nhà văn hóa mà làm đường, làm ngõ cũng do bà con đóng góp hết. Không có bà con đồng tình không làm được đâu. Sự đồng tình ấy có thể thấy rõ trên nét mặt rạng rỡ của những người đang làm nốt công việc cuối cùng chuẩn bị cho buổi lễ ngày mai. Chị Hoàng Thị Thảo, tay thoăn thoắt cắt lá gói bánh chưng, tâm sự: Làm nhà văn hóa cho mình hội họp, sinh hoạt, làm đường bản cũng cho mình đi mà, thì phải đóng góp chứ. Sân nhà văn hóa làm rộng, sạch lắm; để họp, hát múa và còn để phơi cà-phê nữa chứ.
Vì sao có sự khác nhau giữa Pá Lông và Chiềng Ban? Câu trả lời không khó, vì bà con Chiềng Ban có cây cà-phê để phát triển kinh tế, trung bình mỗi hộ cũng có chừng một ha cây cà-phê. Giá cà-phê ổn định như hiện nay, mỗi năm cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha. Với mức thu nhập như thế, hẳn không khó để các hộ dân chung tay cùng chính quyền XDNTM. Mỗi bản đều có quỹ phát triển bản do bà con đóng góp, chỉ chờ Nhà nước có chủ trương hỗ trợ là xuất vốn đối ứng để xây dựng các công trình. Rõ ràng, tìm được mặt hàng sản xuất cho thu nhập là yếu tố quan trọng hàng đầu trong XDNTM. Vậy, có lẽ khoan nói đến 19 tiêu chí, bỏ qua luôn việc đếm về số lượng các tiêu chí đã hoàn thành, hãy tập trung trước hết vào việc tìm một hướng sản xuất mới cho bà con. Tìm ra cây trồng, vật nuôi phù hợp với địa hình, thời tiết để phát triển kinh tế. Có cơm no, áo ấm, có thu nhập, có của để dành, các tiêu chí khác sẽ lần lượt được thực hiện với sự đóng góp và đồng tình ủng hộ của người dân. Chiềng Ban đã dựa vào lợi thế đó để XDNTM. Và đó cũng là một kinh nghiệm quý cho các xã miền núi phía bắc trong hành trình XDNTM.
Chính sách cần sát với thực tế
Nhìn vào thực tế ở Sơn La có thể thấy toàn cảnh bức tranh XDNTM ở các tỉnh miền núi phía bắc. Công tác quy hoạch được coi là quan trọng nhất trong XDNTM thì miền núi phía bắc mới đạt 54%, trong đó Sơn La, Ðiện Biên, Bắc Cạn, Cao Bằng là những tỉnh có tỷ lệ phê duyệt quy hoạch rất thấp, chỉ từ 2 đến 5%. Ngoài quy hoạch chung thì việc lập đề án XDNTM cấp xã cũng chậm được triển khai khi toàn vùng mới chỉ đạt 35% số xã đã phê duyệt xong đề án. Hạn chế này cũng có lý do xuất phát từ thực tế. Theo một số cán bộ làm công tác XDNTM thì từ trước tới nay chưa có quy hoạch đến xã về kinh tế - xã hội. Nay giao cho xã xây dựng quy hoạch, giao cho huyện thẩm định thực hiện hết sức khó khăn. Vì trình độ cán bộ cấp xã, thậm chí cấp huyện vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, Thông tư liên tịch số 13 quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới ra chậm, khi các huyện đã triển khai lập quy hoạch. Sau đó phải dừng để vận hành lại cho nên mất khá nhiều thời gian. Việc chỉ đạo triển khai trước, hướng dẫn sau đã dẫn đến những cái khó không tránh khỏi. Ngoài ra, số vốn ngân sách Trung ương cấp để thực hiện quy hoạch cũng thiếu hụt khá lớn. Anh Nguyễn Văn Vụ, chuyên viên văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Sơn La cho biết: Hiện Trung ương đang lấy đồng bằng để định mức cho miền núi trong vấn đề cấp tiền thực hiện quy hoạch. Theo quy định, mỗi xã được cấp 150 triệu đồng, trong khi đó thực tế ở Sơn La, xây dựng quy hoạch tại mỗi xã lên đến 356 triệu đồng. Nguyên nhân là do diện tích các xã ở khu vực đồng bằng nhỏ hẹp hơn miền núi rất nhiều, chưa kể địa hình đỡ phức tạp hơn. Nhiều xã ở đồng bằng diện tích chỉ hơn 500 ha trong khi ở Sơn La trung bình mỗi xã diện tích lên đến 7.200 ha, cá biệt như xã Mường Lèo, diện tích chiếm 37 nghìn ha thì số tiền 150 triệu đồng đã được cấp là quá thấp. Theo lãnh đạo tỉnh Sơn La, bất cập này đã được báo cáo Trung ương nhưng chưa nhận được phản hồi.
Về phát triển sản xuất kinh tế, theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình Lê Văn Thạch, số vốn ngân sách trung ương hỗ trợ còn đang dở dang. Năm 2012, Hòa Bình có 40 xã được hỗ trợ kinh phí với mức 100 triệu đồng/xã thì rất khó phát triển mô hình sản xuất. Vì thế tiền chỉ như muối bỏ bể, người dân cũng chưa được hưởng lợi gì. Trong khi nguồn lực huy động từ trong dân là vô cùng khó khăn vì phần lớn là các xã nghèo. Vì những bất cập đó mà nhiều tiêu chí được xem là dễ trong bộ 19 tiêu chí về nông thôn mới, các xã miền núi cũng khó hoàn thành, nói gì đến những tiêu chí khó và gây tranh cãi, như thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động. Nói như Phó Chủ tịch xã Hiền Lương (Ðà Bắc, Hòa Bình) Ðinh Văn Huy thì đó là hai tiêu chí chắc chắn không thể thực hiện được theo lộ trình XDNTM từ nay đến năm 2020.
Trao đổi ý kiến về các chính sách hỗ trợ các tỉnh miền núi XDNTM, Cục trưởng Cục Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Tăng Minh Lộc cho biết: Ðây là một chương trình dài hơi, không thể đốt cháy giai đoạn được. Với những tiêu chí khó thì các xã thuộc các tỉnh miền núi phía bắc cần nghiên cứu, thực hiện trong thời gian dài. Quan trọng nhất là phải có đích hướng tới và từ lãnh đạo địa phương đến người dân cần hiểu gốc rễ của chương trình là dân làm, dân hưởng. Còn với những khó khăn, bất cập như các địa phương phản ánh, Ban Chỉ đạo Trung ương đã nhận thấy và đang tìm cách tháo gỡ. Tới đây, hai tiêu chí thu nhập và cơ cấu lao động sẽ có sự thay đổi. Nguồn ngân sách cấp cho việc thực hiện các tiêu chí cũng sẽ được xem xét lại và quyết định một cách phù hợp.
Nhiều năm qua, Ðảng, Nhà nước đã có các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho bà con vùng miền núi phía bắc. Cùng với cả nước, XDNTM là một chủ trương lớn nằm trong tiến trình đó. Tuy nhiên, với xuất phát điểm thấp về mọi mặt, việc triển khai thực hiện XDNTM ở những địa phương này đang gặp vô vàn khó khăn. Chính vì vậy, các chính sách ưu đãi đặc thù và sát thực tế, nhanh chóng phát huy hiệu quả trong cuộc sống là những điều mà cán bộ và bà con dân bản đang chờ!
Bài và ảnh: ÁNH TUYẾT, VŨ THÀNH
Theo nhandan.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn