Cao Bằng là một trong 5 tỉnh dự kiến bị “trắng xã NTM” của cả nước vào cuối năm nay (4 tỉnh khác là Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên và Đăk Nông)
Mục tiêu của chúng ta là làm cho người dân có cuộc sống tốt hơn. Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát trong chuyến kiểm tra tình hình phát triển nông, lâm nghiệp và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (XDNTM) tại Cao Bằng ngày 17/7. Tháp tùng Bộ trưởng có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh; Trưởng BQL Dự án Nông nghiệp Lê Văn Hiến; Phó Trưởng ban phụ trách BQL các Dự án Thủy lợi Nguyễn Hồng Phương; Phó CVP điều phối chương trình XD NTMTƯ Nguyễn Minh Tiến; Vụ trưởng Vụ XDCB- Tổng cục Thủy lợi Đặng Nhật Tân... Về phía tỉnh Cao Bằng có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Anh; Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Cao Bằng.
Tập trung xây dựng Đề án tái cơ cấu nông nghiệp
Cao Bằng là một trong 5 tỉnh dự kiến bị “trắng xã NTM” của cả nước vào cuối năm nay (4 tỉnh khác là Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên và Đăk Nông). Báo cáo với đoàn công tác, Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Bằng Nguyễn Văn Dừa cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng lương thực vụ xuân của tỉnh vượt 3,8% KH, tăng trưởng 5,9%; gieo trồng 963 ha đỗ tương, 3.720 ha thuốc lá, 3.107 ha mía, 286 ha lạc; trồng 540/1.610 ha rừng. Tỉnh đã hoàn thành phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành trồng trọt; xây dựng xong đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi; đang dự thảo các đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, thủy lợi và soạn thảo đề án tái cơ cấu toàn ngành nông nghiệp để trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM, tỉnh hoàn thành phê duyệt đồ án quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết khu trung tâm 171/177 xã; phê duyệt đề án XDNTM cho 127/177 xã. Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM đã hỗ trợ trực tiếp máy cày cho nông dân, thành lập 13 tổ hợp tác, xây dựng mô hình chăn nuôi lợn Móng Cái... góp phần nâng thu nhập của dân cư nông thôn tăng từ 8,4 triệu đồng/người/năm (2011), lên 12,9 triệu đồng/người/năm (2014), có 16 xã đạt tiêu chí về thu nhập; hộ nghèo giảm bình quân 5,6%/năm; 67 xã đạt tiêu chí về tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên... Hơn 4 năm thực hiện Chương trình XDNTM, đến nay có 1 xã đạt 15 tiêu chí NTM là xã Phúc Sen (huyện Quảng Uyên); 10 xã gồm Hoàng Tung, Bế Triều, Nam Tuấn, Hồng Việt (huyện Hòa An); Cao Chương (huyện Trà Lĩnh); Đào Ngạn, Trường Hà (huyện Hà Quảng); Minh Tâm (huyện Nguyên Bình); Phong Châu (huyện Trùng Khánh); Hưng Đạo (TP Cao Bằng) đạt 10 - 14 tiêu chí NTM. Có 93 xã đạt 5 - 9 tiêu chí NTM và còn 73 xã chỉ đạt từ 1 - 4 tiêu chí NTM. Những tháng cuối năm, ngành nông nghiệp tỉnh tập trung hoàn thành xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng kế hoạch thực hiện đề án và điều chỉnh các đề án tái cơ cấu ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các dự án phát triển nông, lâm nghiệp, Chương trình XDNTM, Nghị quyết 30A của Chính phủ...
Phải làm cho cuộc sống nhân dân tốt hơn
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Đàm Văn Eng đề nghị, Bộ NN-PTNT ưu tiên bố trí các dự án ODA, vốn phòng chống thiên tai, di dân ra khỏi vùng nguy cơ thiên tai cao, di dân ra biên giới cho Cao Bằng. Bộ xem xét tạo điều kiện giúp tỉnh thực hiện 8 danh mục dự án thuộc Kế hoạch tổng thể xây dựng các công trình phòng chống xói lở bảo vệ bờ, cồn, bãi biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Xem xét ưu tiên bố trí thực hiện các dự án: Cụm thủy lợi xã Xuân Trường (huyện Bảo Lạc); bổ sung vốn tiếp tục thực hiện dự án cấp nước sinh hoạt vùng Lục Khu (huyện Hà Quảng) và vùng cao các huyện Trà Lĩnh, Hòa An, Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm; cụm hồ chứa nước tỉnh Cao Bằng; bổ sung vốn tiếp tục thực hiện kè chống xói lở bờ sông Bằng tại khu vực thành phố Cao Bằng và khu vực xóm Thắc Tháy, xã Đức Long (huyện Hòa An). Lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Cao Bằng đề nghị Bộ hỗ trợ nhân giống cây trúc sào và xác định vùng trồng trúc đến từng lô, khoảnh, tiểu khu. Hỗ trợ công tác bảo quản sau thu hoạch đối với hạt dẻ Trùng Khánh. Đề nghị, Tổng cục Lâm nghiệp giúp đỡ tỉnh nghiên cứu phát triển lâm sản ngoài gỗ; xem xét nghiên cứu xác định loài cây chủ lực phục vụ trồng rừng... Tại cuộc làm việc, lãnh đạo của các vụ, cục thuộc Bộ NN-PTNT cũng đã giải đáp, làm rõ một số vướng mắc, khó khăn của tỉnh Cao Bằng trong thời gian qua như công trình thủy lợi; nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường; việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông... Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá cao sự phát triển nông nghiệp tỉnh Cao Bằng, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Chương trình XDNTM đã đi vào cuộc sống, trở thành động lực của người dân. Bộ trưởng đề nghị, tỉnh cần tuyên truyền vận động nhân dân mở rộng sản xuất hàng hóa, tiếp tục mở rộng, nâng cao năng suất, chất lượng những cây trồng chủ lực đang có thế mạnh tại địa phương. Tiếp tục duy trì sản xuất lúa, ngô, đảm bảo an ninh lương thực. Mở rộng sản xuất ngô hàng hóa, đưa một số giống mới, giống ngô biến đổi gen vào sản xuất. Mở rộng trồng những cây ăn quả đặc sản, cây dược liệu. Đối với ngành chăn nuôi, mở rộng sản xuất chăn nuôi bò, lợn, gia cầm... Tỉnh cần xây dựng các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân thông qua xây dựng các mô hình khuyến nông, khuyến lâm. “Cao Bằng đang có lợi thế tiếp giáp với Bách Sắc (Trung Quốc) là Trung tâm cung cấp hàng hóa nông sản của ASEAN cho các tỉnh miền Tây Trung Quốc. Đây là lợi thế xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm liên kết vùng với các tỉnh, thành trong cả nước và ASEAN để trung chuyển hàng nông sản qua biên giới tại cửa khẩu Trà Lĩnh. Tỉnh sẽ kết hợp với tỉnh nước bạn phát triển những cây trồng có thế mạnh tại địa phương để cung cấp cho thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu” (Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Nguyễn Hoàng Anh). Trong công tác XDNTM, hướng dẫn thực hiện các tiêu chí phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Tập trung xây dựng các mô hình sản xuất ở cấp thôn. Tỉnh rà soát lại các xã điểm thực hiện XDNTM, xem xét giao cho các đơn vị hỗ trợ thực hiện dứt điểm các tiêu chí này. Bộ sẽ xem xét ưu tiên bố trí vốn để thực hiện chương trình. Đối với các kiến nghị của tỉnh, Bộ ủng hộ, ghi nhận. “Mục tiêu của chúng ta là con người. Phải làm cho cuộc sống của nhân dân tốt hơn chứ không phải chỉ có con đường mới hay ngôi nhà mới”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Bất ngờ khi thấy biệt thự ở xóm Nà Khao
Trước đó, làm việc với lãnh đạo xã Nam Tuấn, huyện Hòa An, một trong những địa phương được chọn làm xã điểm của tỉnh Cao Bằng về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM (đến nay xã đã đạt 14/19 tiêu chí), Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo: Điều gì phù hợp cho nhân dân thì làm, chỉ tiêu nào không cần thiết thì nên bỏ. Ví dụ như tiêu chí nghĩa trang không phù hợp vì tập quán địa phương mỗi gia đình đều có một quả đồi và rừng để an táng; hoặc nhà văn hóa các thôn chỉ cần tu sửa lại thì không nhất thiết phải xây mới... Còn đối với đề xuất cần tăng cường cán bộ chuyên trách NTM, Bộ trưởng nêu rõ, theo quy định của Nhà nước, mỗi xã có 22 biên chế, có 2 biên chế dành cho khối Nông nghiệp, trong đó có 1 biên chế cho NTM. Vì vậy, không cần bổ sung thêm cán bộ mà chỉ bố trí lại cho hợp lý. Tiếp đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đến thăm mô hình chăn nuôi theo dự án LIFSAP (áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt) của gia đình bà Nông Thị Nhâm (xóm Nà Khao). Nhờ hoạt động theo mô hình chăn nuôi lợn của LIFSAP và chế biến thuốc lá, gia đình bà Nhâm đã xây dựng được nhà cửa rất khang trang. “Tôi thật bất ngờ khi thấy một gia đình có nhà riêng như biệt thự, chỉ thiếu ô tô đi, còn ông chồng (ông Thi Văn Cảnh – PV) đang đi bừa ngoài ruộng”, Bộ trưởng Cao Đức Phát chia sẻ thông tin với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng.
KIỀU KHẢI
Theo nongnghiep.vn