Đó là chia sẻ của nhiều đại biểu tại Hội thảo “Hội NDVN tham gia xây dựng NTM” diễn ra tại Hà Nội ngày 27.5. Hội thảo do T.Ư Hội NDVN và Tổ chức Phát triển nguồn nhân lực nông thôn châu Á (Asia DHRRA) phối hợp tổ chức, với sự chủ trì của Phó Chủ tịch Nguyễn Duy Lượng.
Nông dân xã Quân Bình (Bạch Thông, Bắc Kạn) làm đường nông thôn mới. |
Tự mày mò và xin xỏ
Trình bày tổng quan và những kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, ông Nguyễn Minh Tiến - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có Hội ND. Đại diện Bộ Thông tin- Truyền thông - Thứ trưởng Trần Đức Lai chia sẻ: “Là thành viên Ban chỉ đạo, tôi đi nhiều địa phương thấy Hội ND tuyên truyền, vận động xây dựng NTM rất tốt. Ngay chương trình đưa thông tin về cơ sở cũng được Hội ND tỉnh, huyện, xã tích cực phối hợp thực hiện…”.
Cấp ủy phải quan tâm chỉ đạo, chính quyền phải tạo điều kiện thì Hội mới làm được. Quan điểm của chúng tôi trong xây dựng NTM là không tuyên truyền “chay” mà tuyên truyền gắn với nội dung, công việc cụ thể, thiết thực. Phải có bột mới gột nên hồ... Ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch Hội ND tỉnh Tuyên Quang |
Nội dung đáng chú ý nhất trong báo cáo tham luận của Hội ND các tỉnh, thành phố là công tác tuyên truyền, vận động. Ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Nam thẳng thắn trao đổi: “Trong xây dựng NTM cứ nói Hội là vai trò trung tâm nhưng có cái gì đâu! Hội chúng tôi nói “vã răng” mới được bố trí 50 triệu đồng kinh phí tuyên truyền. Trung tâm, nòng cốt gì mà Hội toàn phải đi “xin xỏ” để tham gia xây dựng NTM. Nơi nào Hội làm được chút việc cụ thể ngoài tuyên truyền thì là do tự mày mò hoặc được giao việc rõ ràng”.
Theo ông Thẩm, sở dĩ vai trò của Hội ND các cấp còn hạn chế trong xây dựng NTM là do các cấp, ngành, địa phương nhận thức chưa “thông”, chưa thực sự vào cuộc, nếu vào cuộc rồi thì phối hợp chưa nhịp nhàng...
Theo ý kiến của nhiều đại biểu, việc Hội ND tuyên truyền, vận động “chay” hoặc còn lúng túng trong xây dựng NTM hiện nay là phổ biến.
Huy động sức dân dễ và khó
Một trong những khó khăn của các địa phương là huy động sức dân xây dựng NTM. Nhiều địa phương có tiếng là khá, giàu, tự chủ về ngân sách, nhưng việc huy động sức dân lại gặp khó khăn. Theo ý kiến của nhiều đại biểu, huy động sức dân khó hay dễ là do cách làm. Nếu địa phương có chính sách tốt, minh bạch, rõ ràng, dân thấy được lợi ích trong xây dựng NTM thì họ sẵn sàng tham gia… “Nhiều hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng NTM ở xã chúng tôi phần lớn kinh phí do dân đóng góp, thể hiện trách nhiệm đầu tư rất cao.
Ví dụ, xây dựng chợ, Nhà nước hỗ trợ 2 tỷ đồng, dân bỏ thêm ra tới 9 tỷ đồng; làm đường giao thông, Nhà nước hỗ trợ 2 tỷ đồng, dân bỏ thêm 1 tỷ đồng... Nhà nước cứ ban hành cơ chế hỗ trợ rõ ràng rồi để dân tự bàn, tự làm, tự kiểm tra. Có thế, Hội ND mới dễ vận động” - ông Hà Thanh Tuấn - Chủ tịch Hội ND xã Quảng Lập (Đơn Dương, Lâm Đồng) chia sẻ.
Hội ND Tuyên Quang là một trong số không nhiều Hội ND cấp tỉnh tham gia có hiệu quả cuộc vận động xây dựng NTM. Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên tích cực hiến đất, góp ngày công xây dựng hơn 1.000km đường nông thôn. Hội cũng tham mưu và trực tiếp thực hiện chính sách xử lý chất thải trong chăn nuôi...
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn