04:18 EST Thứ bảy, 23/11/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tin tức nông thôn mới


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Hồi sinh từ vùng "đất chết" ở A Lưới

Thứ năm - 05/06/2014 09:26
Vùng đất A So thuộc Ðông Sơn, xã đặc biệt khó khăn của huyện A Lưới được xem là "rốn da cam" lớn nhất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Gần 40 năm sau ngày giải phóng thống nhất đất nước, đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ðông Sơn đã được tiếp sức và nỗ lực lao động để hồi sinh cho vùng "đất chết".
Cây ngô lai được trồng và phát triển tốt tại vùng đất A So.

Cây ngô lai được trồng và phát triển tốt tại vùng đất A So.

Trong chiến tranh, sân bay dã chiến A So trở thành "điểm nóng" nhất tại huyện A Lưới khi có hàm lượng tồn dư đi-ô-xin cao trong đất, tác động đến sinh thái và con người sinh sống trong vùng. Theo tài liệu thống kê, từ tháng 8-1965 đến tháng 12-1970, A Lưới có tới 256 phi vụ rải chất độc hóa học, với ba chất chủ yếu là white, orange và blue. Hứng chịu chất đi-ô-xin đậm đặc nhất chính là vùng A So, căn cứ quân sự cũ của Mỹ-ngụy với hàm lượng trong đất lên tới 879,85 pg/g (do là nơi chứa và rửa máy bay chở đi-ô-xin). Sân bay A So trở thành nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân ta, đồng thời là chứng tích tội ác của đế quốc Mỹ.

Chất độc da cam/đi-ô-xin ở Ðông Sơn không chỉ tồn tại trong lòng đất, trong con người mà có ở trong cả gia súc, gia cầm. Những năm 90 của thế kỷ 20, đồng bào các dân tộc sống rải rác ở các bản, làng vùng sâu, vùng xa trong dãy Trường Sơn về đây định cư, sinh sống nhưng đói nghèo khiến họ phớt lờ, hằng ngày vẫn ăn, uống nguồn nước bị nhiễm chất độc hóa học. Bằng chứng rõ rệt và đau thương nhất là những lớp trẻ em của những cựu binh năm xưa, sinh ra trong thời bình lại không mang đủ hình hài. Trước mức độ tồn đọng quá lớn của chất độc đi-ô-xin trên vùng đất A So, các nhà khoa học Ca-na-đa đã đến lấy mẫu nước, đất kiểm tra và cảnh báo rằng: "Không được sống, canh tác và không được nuôi bất cứ con gì, trồng cây gì ở "rốn da cam" Ðông Sơn; bởi tất cả mọi thứ từ đất, nước, cây cối... đều có nồng độ đi-ô-xin cao hơn 26 lần mức cho phép".

Ðông Sơn là xã đặc biệt khó khăn do nằm xa trung tâm huyện, giao thông trắc trở, lại thêm hậu quả chiến tranh hóa học để lại rất nặng nề. Ngày ấy, ngôi làng cũ bị bom đạn của đế quốc Mỹ cày nát, vùng đất này biến thành những hố nước sâu hoắm, loang lổ. Sau hòa bình, đồng bào các dân tộc đã di cư chọn trung tâm sân bay A So để dựng nhà cửa làm nơi lạc nghiệp. Hiện xã Ðông Sơn có hơn 320 hộ dân, gần 1.400 nhân khẩu là đồng bào Pa Cô, Tà Ôi, Cà Tu, Hre, Vân Kiều và Kinh sinh sống. Từ khi có công bố tồn lưu một lượng lớn chất độc hóa học đi-ô-xin, từ năm 2002, huyện A Lưới và xã Ðông Sơn đã khoanh vùng nguy hiểm khoảng 5 ha đất quanh sân bay A So và tổ chức di dân cách xa khu vực này khoảng 500 m trở lên. Ðồng thời, các ban, ngành, chính quyền địa phương thường xuyên giải thích, hướng dẫn người dân sinh sống trên vùng đất này cách phòng tránh, cách sinh hoạt an toàn, hợp vệ sinh. Bí thư Ðảng ủy xã Ðông Sơn Nguyễn Văn Phơm cho biết: Các ban, ngành, tổ chức quốc tế đã nỗ lực hỗ trợ cải thiện vùng đất bị nhiễm chất độc hóa học đi-ô-xin để người dân Ðông Sơn an cư lạc nghiệp và phát triển kinh tế. Một công trình nước sạch có tổng kinh phí gần 1,5 tỷ đồng, do Nhóm đối thoại Việt - Mỹ về chất độc da cam/đi-ô-xin hỗ trợ đã xây dựng tại đây, góp phần bảo đảm cung cấp nước sạch sinh hoạt hằng ngày cho phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ðông Sơn đang sinh sống trong vùng bị nhiễm đi-ô-xin. Sắp tới tại khu vực sân bay A So cũ sẽ khôi phục đường bay, hầm chỉ huy, công trình quân sự và cả nhà trưng bày hình ảnh A So - Ðông Sơn nhằm tạo một địa điểm du lịch trên đường Hồ Chí Minh.

Trong khi các nhà khoa học đang tìm các giải pháp hữu hiệu để khắc phục "điểm nóng" đi-ô-xin tại A Lưới thì Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ bảo tồn tự nhiên và Phát triển cộng đồng - Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam Phùng Tửu Bôi đã lập dự án về một "hàng rào xanh", nhằm cách ly "điểm nóng" đi-ô-xin với người và gia súc trong vùng. Hơn ba mươi nghìn cây bồ kết được trồng bao trọn khu vực sân bay A So với chiều dài gần 3 km. Tiếp đến, nhiều chương trình trong và ngoài nước đã đến với Ðông Sơn khi người dân được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ vốn để xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm như trồng lúa nước, trồng rừng, sắn, ngô cao sản thay cho cây công nghiệp dài ngày kém hiệu quả. Các chương trình 134, 135, chương trình xóa nhà tạm, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và kỹ thuật sản xuất... đã về với người dân Ðông Sơn nên phát triển kinh tế rất rõ rệt.

Gần 40 năm sau chiến tranh, Ðông Sơn bây giờ đã "thay da, đổi thịt". Ðồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã bỏ hẳn tập tính du canh du cư, phá rừng làm nương rẫy. Trước đây, vùng đất này không một cây gì có thể sống nổi, thì nay, gần 100% số hộ dân của Ðông Sơn đã trồng rừng kinh tế, sản lượng lúa và số lượng gia súc, gia cầm của xã liên tục tăng, thuộc tốp đầu của huyện. Toàn xã Ðông Sơn có 500 ha rừng kinh tế. Mỗi hộ dân bình quân trồng hai, ba ha, có rất nhiều hộ biết tích lũy vốn từ trồng rừng để phát triển thêm chăn nuôi, sản xuất. Anh Hồ Văn Tôi, một trong những người làm kinh tế giỏi ở xã Ðông Sơn tâm sự: "Từ khi có chủ trương của xã về phát triển rừng kinh tế gia đình, tôi quyết định trồng thử vài ha keo lai. Với mỗi ha rừng keo, tràm, cho thu nhập từ 70 đến 80 triệu đồng/năm. Trừ chi phí, lãi từ 40 đến 50 triệu đồng/năm. Tôi mạnh dạn đầu tư thêm hàng chục con trâu, bò, dê thả dưới tán rừng. Từ thu nhập trồng rừng và kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, cho nên cuộc sống gia đình tôi khá hơn trước nhiều, có của ăn của để và cho con đi học, sắm sửa tiện nghi trong gia đình...".

Từ một vùng đất chi chít hố bom và nhiễm chất độc hóa học đi-ô-xin, khu vực A So nay đã hồi sinh với những cánh rừng trồng kinh tế xanh mướt, công trình trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt và các công trình dân sinh đã mọc lên khang trang. Hệ thống giao thông liên thôn, bản, xã đã được kết nối bằng bê-tông hóa thuận tiện cho đồng bào giao thương hàng hóa giữa các vùng. Theo thống kê của UBND xã Ðông Sơn, trong toàn xã có nhiều hộ nuôi hơn mười con bò, có hộ làm chủ vài chục ha rừng và hầu như nhà nào cũng có từ hai đến ba sào ruộng lúa nước; nhiều gia đình có đầy đủ các phương tiện nghe nhìn. Chủ tịch UBND xã Ðông Sơn A Viết Minh cho biết: "Nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, bà con bỏ công lao động cho nên nhiều công trình kiên cố hoàn thiện nhanh. Từ một vùng "đất chết" nay đã sản xuất được 82 ha lúa nước, hơn 500 ha rừng kinh tế và chăn nuôi gần 1.000 con trâu, bò và dê. Cùng với phát triển kinh tế hộ gia đình, địa phương đã xóa được hơn 200 căn nhà tạm, cho nên góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn".

Ðông Sơn giờ đây đã minh chứng cho sức mạnh, ý chí quyết tâm của người dân trong đấu tranh giành độc lập cũng như chiến đấu với đói nghèo, bệnh tật, tăng gia sản xuất để ổn định cuộc sống trong thời bình. Ðồng bào các dân tộc phấn khởi trước những chính sách hỗ trợ của Ðảng và Nhà nước cho người dân sau chiến tranh. Từ những nỗ lực không mệt mỏi của người dân, chính quyền, vùng "đất chết" Ðông Sơn được chế ngự và đổi thay từng ngày.
                                                                                                                             BÀI VÀ ẢNH: NGUYỄN CÔNG HẬU
                                                                                                                                         Theo nhandan.com.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 361

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 360


Hôm nayHôm nay : 57175

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1029343

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 71256658