Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới (NTM), nhưng với sự quyết tâm cao, chính quyền và người dân xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai đã vươn lên hoàn thành xuất sắc 19 tiêu chí sau 3 năm triển khai thực hiện.
Ông Nguyễn Gia Sướng - Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Hồng Dương cho biết, trước khi triển khai xây dựng NTM, Hồng Dương mới chỉ đạt và cơ bản đạt 8/19 tiêu chí, còn lại 11 tiêu chí chưa đạt là những tiêu chí khó. Song, chính quyền và người dân xã đã quyết tâm thực hiện, chủ động khai thác các nguồn lực để về đích đúng hẹn.
Đường liên thôn xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Sau 3 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, Hồng Dương đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2013 đạt 30 triệu đồng/người/năm, gấp 1,7 lần mức thu nhập bình quân chung khu vực nông thôn của TP. Số hộ nghèo của xã chỉ còn 75 hộ, chiếm 2,4 %. Tỷ lệ lao động có việc làm đạt 92%. Xã cũng hoàn thành xây dựng khoảng 39km đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí thực hiện hơn 59 tỷ đồng. Hệ thống thủy lợi được kiên cố hóa, đảm bảo tưới tiêu. Xã đã xây mới 6 trạm điện, nâng cấp 2 trạm, thay thế 100% công tơ đo đếm điện, nâng cấp 100% đường dây điện hạ thế phục vụ dân sinh. Ngoài ra, xã cũng đã hoàn thành xây dựng 3 khu nhà lớp học 2 tầng, 3 khu nhà hiệu bộ trường THCS và tiểu học, mầm non; hoàn thành 2 nhà đa năng tiểu học và THCS. Hàng năm, xã đều làm tốt công tác phổ cập giáo dục THCS, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học THPT, bổ túc học nghề đạt 100%. Về y tế, xã đầu tư kinh phí hơn 5 tỷ đồng cho việc xây dựng phòng khám và điều trị, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ y tế hiện đại như máy chụp XQ, máy nội soi, máy điện tim. Toàn xã có hơn 8.000 người dân tham gia bảo hiểm y tế, đạt 70%, là xã đạt chuẩn quốc gia về y tế năm 2012. Đánh giá các kết quả đạt được, ông Nguyễn Gia Sướng cho biết, đời sống người dân được cải thiện đáng kể, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên, bộ mặt nông thôn từng bước được thay đổi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu đạt chưa cao theo yêu cầu đề ra như huy động đóng góp của Nhân dân, việc chỉnh trang nhà cửa, vệ sinh môi trường trong khu dân cư còn hạn chế. Một số mô hình sản xuất được chuyển đổi theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng thủy sản, chăn nuôi, khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống nhưng hiệu quả phát huy còn thấp. Để cải thiện tình hình trên, xã Hồng Dương xác định tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, đẩy mạnh, củng cố, nâng cao hơn nữa vai trò của các đoàn thể chính trị, xã hội tại địa phương. Giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, xây dựng các giải pháp quản lý khai thác có hiệu quả các chương trình đã được đầu tư, có kế hoạch duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các công trình xây dựng, nhất là nắp đậy rãnh thoát nước đường ngõ xóm. Đồng thời, tiếp tục hoàn thành các tiêu chí cơ bản đạt và nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt, tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các mô hình phát triển sản xuất.