Hương Sơn: Xác định sản phẩm nông nghiệp hàng hoá chủ lực đến năm 2020
Thứ ba - 07/02/2012 22:59
Nhằm khai thác tiềm năng lợi thế, từ đó hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người sản xuất, đặc biệt tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới, UBND huyện Hương Sơn vừa xác định sản phẩm nông nghiệp hàng hoá chủ lực và các giải pháp phát triển đến năm 2015 và định hướng 2020.
Cam bù cây ăn quả đặc sản ở Hương Sơn
Theo đó huyện Hương Sơn đã xác định sản phẩm chủ lực các loại cây trồng vật nuôi, đó là: Đối với trồng trọt, cây lạc ổn định diện tích từ 2.400-2.500 ha, sản lượng đạt 6.000-8.000 tấn; cây đậu xanh diện tích từ 2.500-2.600 ha; sản lượng từ 2.500-3.120 tấn; Cam bù quy hoạch mở rộng diện tích tập trung tại 14 xã theo Dự án “Bảo tồn, khôi phục, nhân giống và phát triển sản xuất cam bù hang hoá” trong đó giai đoạn 2011-2015 diện tích 500 ha, 300 ha cho sản phẩm, năng suất 70 tạ/ha,sản lượng 2.100 tấn, giai đoạn 2015-2020 diện tích 1270 ha, 900 ha cho sản phẩm, năng suất 80 tạ/ha, sản lượng 7.200 tấn; Cam chanh mở rộng diện tích tại các xã Sơn Lễ, Sơn Tiến, Sơn Trường, Sơn Kim, Sơn Lâm,...
Chăn nuôi hươu được xác định sản phẩm chủ lực trong ngành nông nghiệp ở các địa phương
Đối với chăn nuôi, phấn đấu đến năm 2015 tổng đàn có 33.180 con, 2020 đạt 38 ngàn con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 3.836 tấn; đàn bò đến năm 2020 tổng đàn 32.830 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 1.830 tấn; đàn hươu năm 2015 đạt 39.600 con, sản lượng nhung 10,23 tấn, đến năm 2020 đạt 47.730 con, sản lượng nhung đạt 12,34 tấn.
Đối với lâm nghiệp, đẩy mạnh phát triển cao su theo nhiều hình thức như tiểu điền, đại điền, liên kết theo quy hoạch và đề án phát triển cao su tiểu điền được phê duyệt, đến năm 2020 diện tích 7.500 ha, diện tích khai thác 3.000 ha, năng suất mủ khô 1,5 tấn/ha, sản lượng đạt 4.500 tấn;...
Để đạt được các chỉ tiêu đó, UBND huyện đã đưa ra các giải pháp quy hoạch và thực hiện quy hoạch, trên cơ sở đồ án quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới các địa phương tổ chức rà soát, bổ sung, tổ chức thực hiện ưu tiên đầu tư các loại cây trồng, vật nuôi đã xác định. Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện quy hoạch như quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, quy hoạch phát triển trang trại chăn nuôi, rà soát điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng... trên cơ sở quy hoạch và định hướng phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hoá chủ lực của huyện. Bên cạnh đó huyện đã đưa ra các giải pháp về tổ chức sản xuất của từng loại cây trồng vật nuôi ở các địa phương, giải pháp về thị trường, xây dựng thương hiệu nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường; các giải pháp khoa học công nghệ, giải pháp đào tạo nguồn lực, chính sách, xúc tiến đầu tư...