Là đơn vị đầu tiên của TP.Cần Thơ thành lập Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) cấp huyện, sau hơn 3 năm triển khai, bộ mặt nông thôn huyện Phong Điền đã được cải thiện nhanh chóng, với quyết tâm trở thành huyện NTM vào cuối năm 2016.
Hộ nghèo còn 4,75%Trò chuyện với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Hoàng Ba – Chủ tịch UBND huyện Phong Điền phấn khởi cho biết: “Sau 3 năm triển khai xây dựng NTM, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của huyện ngày càng được nâng chất, bộ mặt nông thôn khởi sắc rõ rệt, đặc biệt là đến năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 4,75%”.
Phong Điền nhân rộng mô hình du lịch sinh thái gắn với xây dựng NTM.
“Trung bình mỗi năm, các xã tăng thêm 1 - 2 tiêu chí, bình quân các xã đạt 15,5 tiêu chí/xã. Riêng xã điểm Mỹ Khánh đã hoàn thành 20/20 tiêu chí và được thành phố công nhận đạt chuẩn NTM. Ngoài ra, xã Giai Xuân đã đạt 17/20 tiêu chí; 4 xã còn lại đạt từ 13-16 tiêu chí (gồm Tân Thới, Nhơn Nghĩa, Nhơn Ái và Trường Long)” – ông Trần Thái Nghiêm – Trưởng phòng NNPTNT huyện Phong Điền cho biết thêm.
Có mặt tại xã NTM Mỹ Khánh, chúng tôi không còn thấy bóng dáng những con đường đất chằng chịt ổ voi, ổ gà trước đây nữa, mà đã được khoác lên những tấm áo mới phẳng phiu bằng bê tông hoặc trải nhựa. Trên mỗi con đường chúng tôi đi qua, nhà cửa hai bên cũng được người dân sửa sang, quy hoạch ngăn nắp, nhiều trường học, trạm xá được xây mới, nâng cấp khang trang…
Ông Lê Hoàng Danh- Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Khánh chia sẻ: “Có được thành công này là nhờ chúng tôi đã huy động tốt sức mạnh của toàn dân. Theo đó, khi bắt tay vào xây dựng NTM, nhiều hộ dân trong xã đã tự nguyện hiến đất, hoa màu và hàng nghìn ngày công để cùng chính quyền nâng cấp, mở rộng các tuyến lộ giao thông, công trình thủy lợi, với tổng giá trị gần 17 tỷ đồng”.
Cũng theo ông Danh, hiện xã Mỹ Khánh đã có trên 40 hộ thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 30 triệu đồng/người/năm – một con số mà nhiều xã vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long phải ngưỡng mộ.
Ngoài xã Mỹ Khánh, hiện nay các xã Giai Xuân, Tân Thới, Nhơn Nghĩa… cũng đang đẩy nhanh hoàn thành các tiêu chí, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả như mô hình vườn chuyên canh gắn với phát triển du lịch; sản xuất lúa chất lượng cao gắn với tiêu thụ; các mô hình chăn nuôi động vật hoang dã, nuôi thủy sản gắn với du lịch…
Đặc biệt là huyện đã triển khai chính sách trợ giá giống cây con với kinh phí trên 1,06 tỷ đồng; các Ngân hàng NNPTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cũng cho vay trên 1.000 tỷ đồng để giúp nhân dân phát triển sản xuất.
“Bí quyết” chính Huyện Phong Điền đang tập trung hoàn thiện 3 tiêu chí còn lại của xã Giai Xuân để xã này đạt chuẩn vào cuối năm 2014. Năm 2015, huyện phấn đấu có thêm xã Nhơn Ái và Tân Thới đạt chuẩn, tạo điều kiện để được công nhận huyện NTM vào 2016. |
Theo ông Nguyễn Hoàng Ba, để đạt được những kết quả quan trọng trên, “bí quyết” quan trọng nhất chính là phải được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhiều nơi đã phát huy tốt sức dân trong quá trình làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng...
Theo đó, trong 3 năm qua, toàn huyện đã huy động được trên 31.000 ngày công và gần 140 tỷ đồng ngoài ngân sách để thực hiện các tiêu chí về NTM.
Về định hướng trong thời gian tới, ông Trần Thái Nghiêm nhấn mạnh: “Huyện sẽ tiếp tục hoàn thành một số tiêu chí về trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, chợ nông thôn, giáo dục, môi trường và tỷ lệ hộ nghèo. Đồng thời nâng chất các tiêu chí đã đạt, đặc biệt là ở xã Mỹ Khánh; đẩy mạnh thực hiện một số lĩnh vực như kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, cảnh quan môi trường, tổ chức sản xuất… để góp phần xây dựng NTM hoàn thiện hơn”.
Theo danviet.vn